Quảng Ngãi: Tập trung phát triển kinh tế vùng cao
Quảng Ngãi ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, logistics Quảng Ngãi: Nâng tầm thương hiệu quế Trà Bồng |
5 địa phương thuộc vùng cao, gồm: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng. Người dân chủ yếu ở các huyện này là bà con dân tộc thiểu số như: H're, Cadong, Cor, Tày, Thái… Cuộc sống và điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa, bão và thiên tai.
Để phát triển kinh tế tại các huyện vùng cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lập nghiệp, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung vào các nhóm giải pháp: Lồng ghép, bổ sung chính sách, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào. Đặc biệt, các giải pháp về tạo sinh kế bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa… được triển khai hiệu quả và thiết thực.
Giới thiệu nông sản, đặc sản của các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: L.Phương) |
Sơn Hà là huyện vùng sâu, vùng xa với 87% đồng bào dân tộc thiểu số. Giao thông không thuận lợi, đồng bào sinh sống phân tán, tiềm năng, thế mạnh không có gì đáng kể, vì thế kinh tế kém phát triển. Những năm qua, các chương trình, dự án ưu tiên giảm nghèo, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai trên địa bàn huyện bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nông sản đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện. Các tổ hợp tác, hợp tác xã và các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh.
Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, huyện Sơn Hà đã đứng ra làm khâu trung gian trong hỗ trợ đồng bào tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, người dân đã thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất và tự vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong các năm gần đây đều giảm từ 4,5 - 5%.
Ba Tơ là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước được hưởng Chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025, huyện Ba Tơ đã đề ra nhiều giải pháp, cách làm, phù hợp với địa phương. Đó là thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo lợi thế từng vùng, quy hoạch theo mô hình sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.
Cùng với việc tiếp tục phối hợp đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, lưới điện trên địa bàn, huyện Ba Tơ đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng điện tái tạo (gió, mặt trời). Ba Tơ đặc biệt chú trọng phát triển du lịch gắn với bản tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Thời gian qua, huyện khuyến khích phát triển và mở rộng các cơ sở dịch vụ, thương mại, khai thác tiềm năng du lịch, các điểm văn hóa, lịch sử tại địa phương gắn với phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có. Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện gắn với phát triển du lịch tại địa phương như: Thổ cẩm làng Teng, rượu cần, tiêu Ba Lế, mây tre đan…
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Sơn Tây (Ảnh: Tấn An) |
Nằm trong 5 huyện nghèo vùng cao, những năm gần đây, Sơn Tây đã phát triển các loại cây trồng mới, mở ra triển vọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Một số hợp tác xã chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã hình thành, hướng tới phát triển lâu dài. Nhằm tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Sơn Tây đã quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng ở 9 xã trên địa bàn. Các giống cây trồng mới như: Nghệ, chuối, gừng gió đang được trồng thử nghiệm ở các xã Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Dung. Địa phương cũng nhân rộng những cây trồng bản địa, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Bắt nhịp với xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, một số hợp tác xã ở huyện Sơn Tây đã đầu tư máy móc, chế biến trái cây thành những sản phẩm đặc thù. Qua đó vừa tiêu thụ được sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số vừa tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi gồm 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng. Trong đó, đồng bào dân tộc H’re, Ca Dong và Cor chiếm 15,18% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tuy được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp.
Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi đề ra mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên hai lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mỗi năm giảm 4 - 4,5%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện được mục tiêu này, năm 2023, Quảng Ngãi đầu tư hơn 399 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn kinh phí dùng thực hiện 7 dự án, chủ yếu là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững…