Quảng Nam kiên trì phát triển du lịch xanh
Nhiều năm qua, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hội An đã tiên phong xây dựng sản phẩm theo xu hướng xanh, bền vững.
Có lịch sử hơn 400 năm,làng rau sạch Trà Quế đã trở thành điểm tham quan được yêu thích của du khách bởi nét xanh mát, bình yên. Mới đây, làng rau Trà Quế đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Người dân làng rau Trà Quế nói không với phân bón hóa học - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Người dân làng Trà Quế sống nhờ rau và tự hào nghề làm rau sạch. Rau Trà Quế thơm ngon bởi người dân chủ yếu dùng loại rong được vớt từ con sông Đế Võng chảy qua làng để bón cho cây. Chính loại phân bón này đã góp phần tạo nên thương hiệu làng rau.
Bà Lê Thị Liễu (62 tuổi), người làng Trà Quế hơn 20 năm trồng rau cho biết, gần 200 hộ dân trồng rau trong làng nói không với phân bón hóa học, cùng nhau phát triển sản phẩm theo hướng xanh, bền vững.
Nhờ thương hiệu điểm đến xanh, gần đây nhiều đoàn du khách đã tới làng tham quan, tham gia tour trải nghiệm làm nông dân như cuốc đất, gánh nước, trồng rau…nên ngoài rau, nay bà con có thêm thu nhập từ các hoạt động du lịch. Đây là niềm vui, động lực cho bà con gắn bó với trồng rau sạch.
Là đơn vị kiên trì với du lịch xanh từ ngày khởi điểm, ông Trần Thái Do, chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort cho hay:
Ngay từ đầu mới xây dựng khách sạn, chúng tôi đã chú trọng đến việc phát trển bền vững, bằng những việc làm cụ thể như: Về xây dựng đã chọn gạch không nung khí chân áp giúp cách nhiệt, cách âm; hệ điều hòa tuần hoàn để giảm khí nóng ra không khí, dùng hệ thống nước hồ bơi muối khoáng không Clo để bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các sản phẩm dùng trong khách sạn đều bằng các loại gỗ tre thân thiện với môi trường, bên cạnh đó chúng tôi còn phát triển những vườn rau hữu cơ, vừa cung cấp thực phẩm sạch, vừa có không gian xanh cho du khách nghỉ ngơi, trải nghiệm.
"Tất nhiên chi phí chúng tôi bỏ ra cao hơn, nhưng đổi lại việc phát triển xanh sẽ mang lại ý thức tốt cho nhân viên, cảm xúc tốt cho du khách, nhận được sự tin tưởng của du khách hơn", ông Trần Thái Do chia sẻ.
Vườn rau hưu cơ được trồng tại Silk Sense Hội An - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Ông Trần Thái Do nhận định, nếu dần đi theo hướng du lịch xanh thì dần dần dòng khách của Quảng Nam sẽ tốt hơn, những người thích lối sống xanh sẽ đến Quảng Nam nhiều hơn, vô tình địa phương sẽ chọn được một dòng khách giá trị hơn.
Một khi Quảng Nam vinh danh là điểm đến du lịch xanh thì các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi.
Được biết, Hội An hiện có trên 60 doanh nghiệp ký cam kết không rác thải, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 70 - 100 đơn vị có chứng nhận du lịch xanh. Đây là nền tảng để Hội An sớm được công nhận là điểm đến "du lịch xanh".
Lên kế hoạch dài hơi cho du lịch xanh
Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam thì địa phương sở hữu nguồn tài nguyên về di sản và thiên nhiên vô cùng quý giá, chỉ cần doanh nghiệp biết cách nương tựa vào tài nguyên thì sẽ tạo nên ngành du lịch tốt.
Hội An còn có tour trải nghiệm vớt rác dành cho du khách - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Việc phát triển du lịch xanh, bền vững sẽ mang tính lâu dài, do đó sự cân bằng về phân bổ nguồn lực trước mắt và lâu dài là vấn đề quan trọng. Người kinh doanh muốn mở cửa ra để có thu nhập ngay, nhưng càng muốn có khách nhanh thì tính bền vững sẽ không còn nữa", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, địa phương đã hướng tới việc phát triển du lịch xanh và sẽ triển khai các hoạt động thúc đẩy xuyên suốt, tỉnh Quảng Nam đã có những kế hoạch dài hơi cho việc xanh hóa, góp phần vào thông điệp "Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh.
"Chúng tôi đang tích cực tham mưu cho Chính phủ về chứng chỉ carbon, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên tham mưu về vấn đề này. Để làm được điều đó chúng tôi phải giữ rừng, hiện nay Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên nhiều nhất nước dù diện tích tỉnh chỉ đứng thứ 6. Quảng Nam sẽ tích cực bảo vệ rừng để giữ được đa dạng sinh học, tìm thêm nguồn kinh phí để đầu tư phát triển cho rừng", ông Hồ Quang Bửu chia sẻ.
Quảng Nam đã có kế hoạch dài hơi trong việc phát triển du lịch xanh - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tại địa phương đã có sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường là sở hữu một trong năm loại sâm quy hiếm nhất thế giới là sâm Ngọc Linh. Chính phủ đã đồng ý triển khai chương trình sâm Quốc gia đến năm 2045, trong đó hướng tới bảo vệ môi trường và sinh kế cho người dân.
"Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần áp dụng chuyển đổi số để gặt hái được nhiều thành quả hơn. Nếu chúng ta xanh hóa trên môi trường chuyển đổi số ngành du lịch thì tương lai ngành du lịch sẽ tiếp tục phát triển đúng hướng bền vững", ông Hồ Quang Bửu trao đổi thêm.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch): Để hoạt động du lịch được mở lại một cách hiệu quả trong điều kiện mới, ngành du lịch Việt Nam cần chú trọng hơn đến việc phát triển bền vững. Đây cũng là một trong những xu hướng phát triển chung của ngành du lịch thế giới khi điểm đến du lịch an toàn, thân thiện sẽ là sự lựa chọn, ưu tiên hàng đầu của du khách. Do đó, ngành du lịch cần mở cửa một cách an toàn, định hướng phát triển theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường, tạo hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, xanh, sạch.
Quảng Nam cần đẩy mạnh các giải pháp để phát triển du lịch xanh; các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch cần tích cực triển khai hành động gìn giữ vệ sinh môi trường cũng như tuyên truyền cho khách du lịch về việc phát triển du lịch xanh như phân loại, xử lý rác thải, ưu tiên sử dụng vật dụng thân thiên môi trường.
Hiện nay, một số nhà hàng ở Quảng Nam đã hạn chế sử dụng ống hút nhựa, ly nhựa mà thay thế bằng ống hút làm bằng gạo, ly giấy. Nhiều chủ homestay, villa, khách sạn, nhà hàng chú trọng đến việc phân loại rác nhà bếp để làm phân hữu cơ, giảm tác động môi trường. Đây là những mô hình phát triển du lịch bền vững cần được phát huy và nhân rộng để góp phần xây dựng hình ảnh du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam.