Quảng Nam: Hỗ trợ đồng bào dân tộc sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị
Quảng Nam kiên trì phát triển du lịch xanh Quảng Nam: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc |
Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 (Chương trình Mục tiêu quốc gia) về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Trọng tâm của Tiểu dự án 2 là hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đồng bào dân tộc giới thiệu và bán sản phẩm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh |
Riêng đối với nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, Ban Dân tộc tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với địa phương nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện phương án phát triển dược liệu và phê duyệt dự án; xây dựng, đề xuất cơ chế quản lý, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu và hướng dẫn tổ chức thực hiện ở địa phương.
Trước đó, để xây dựng các mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã tích cực vận động bà con nông dân, đồng bào DTTS tham gia mô hình hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác. Trong bối cảnh hiện nay, đây là mô hình được đáng giá tương đối hiệu quả nhằm hỗ trợ đồng bào tiêu thụ nông sản, hàng hóa, hướng tới sản xuất ổn định và bền vững.
Tại huyện miền núi Tây Giang, mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm. Trong đó, cây dược liệu đẳng sâm và ba kích vốn là loại cây quen thuộc với đồng bào Cơ Tu nơi đây. Từ giống chuẩn bản địa cùng với chế độ canh tác tự nhiên đã góp phần tạo ra những hoạt chất, đặc tính quý giá vốn có của loài dược liệu quý này. Tuy nhiên, do canh tác không đúng kỹ thuật nên giá trị thu lại thấp, đầu ra cho sản phẩm không có nên đồng bào Cơ Tu không mặn mà trồng. Triển khai mô hình “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm”, HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Ch’Ơm đã đứng ra hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho bà con. Nhờ đó, hàng trăm hộ gia đình đã có thu nhập ổn định từ cây đẳng sâm.
Đối với cây ba kích, hiện ở Tây Giang có HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình ở xã Lăng là một điển hình trong việc phát triển loài dược liệu này. Để giúp bà con tăng năng suất lao động, tăng giá trị kinh tế cho nông sản, HTX đã đầu tư nhiều loại máy móc phục vụ sơ chế, rửa, sấy nông sản, máy ngâm ủ và lọc rượu ba kích, đẳng sâm. Phần lớn thành viên HTX là đồng bào Cơ Tu, không có vốn nên HTX phải đứng ra hỗ trợ xã viên chi phí trong suốt thời gian triển khai mô hình. Đến nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ việc tham gia trồng và chế biến dược liệu.
Vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My |
Tại huyện miền núi Nam Trà My, HTX cộng đồng Ngọc Linh cũng là một điển hình trong liên kết chế biến và tiêu thụ dược liệu. Hiện HTX có gần 20 hộ dân là đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Ngoài việc mở rộng vùng sản xuất các loại dược liệu, HTX còn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh với diện tích hàng chục héc-ta. Những năm gần đây, bên cạnh cây sâm Ngọc Linh, đồng bào dân tộc Xơ Đăng tại Nam Trà My còn nhân rộng thêm nhiều diện tích các cây dược liệu quý như: Quế, đẳng sâm, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến, sơn tra, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân…
Đây chỉ là ba trong số hàng trăm mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu hiệu quả tại địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, để sản phẩm có thương hiệu, nâng cao giá trị, các HTX đã đưa sản phẩm tham gia các chương trình OCOP. Trong đó, nhiều sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh như: Trà túi lọc đẳng sâm của HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang; cao đẳng sâm Tây Giang của HTX Dược liệu Đức Huy…
Sản xuất theo chuỗi giá trị đã giúp nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sử dụng của sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm cao đẳng sâm của các HTX dược liệu ở Tây Giang. Từ một sản phẩm tươi thô, giá trị kinh tế thấp, thị trường tiêu thụ ít, các HTX đã áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm cao đẳng sâm Tây Giang. Khi đưa ra thị trường, sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao về mặt chất lượng.
Các mô hình HTX góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam trong sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào. |