Huyện Thuận Châu (Sơn La)
Phát triển kinh tế hộ gia đình từ nuôi gà H'Mông đặc sản
Sơn La: Phát triển khoai sọ Thuận Châu thành sản phẩm thế mạnh Sông Mã (Sơn La): Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu nông sản |
Gà H'Mông có nguồn gốc ở các vùng núi cao, được đồng bào dân tộc Mông và các dân tộc thiểu số chăn nuôi với mục đích cải thiện bữa ăn hàng ngày. Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn như một vị thuốc quý, bổ dưỡng tự nhiên. Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả tự nhiên, gà tự kiếm ăn trên nương, đồi và chuồng trại thô sơ, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi nên gà phát triển chậm và kém năng suất. Vì vậy, để bảo vệ giống gà quý, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp bảo tồn và nhân rộng.
Mô hình nuôi gà đen H'Mông thương phẩm thả vườn, đồi theo hướng an toàn sinh học (Ảnh: Lan Hương) |
Huyện Thuận Châu là địa phương đầu tiên của tỉnh Sơn La triển khai nuôi gà H'Mông thương phẩm thả vườn đồi theo hướng an toàn sinh học. Từ năm 2021, huyện đã triển khai mô hình tại 3 bản Nà Muông, Nà Hem và bản Tở của xã É Tòng. Ban đầu, các cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, hướng dẫn các chủ hộ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nuôi như: Thiết kế chuồng trại, làm quây úm gà, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng và trị bệnh cho đàn gà... Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu phối hợp với các xã trên địa bàn mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà đen H'Mông thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cho các hộ thực hiện mô hình và người dân. Từ đó, giúp người chăn nuôi nắm được kỹ thuật thiết kế chuồng nuôi, kỹ thuật úm, nuôi dưỡng, chăm sóc, kỹ thuật phòng và trị một số bệnh thường gặp...
Đặc biệt, năm 2022, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sinh thái EFARM É Tòng đã được thành lập với mục tiêu liên kết sản xuất, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng của bà con nông dân. Đồng thời, hỗ trợ các hộ thành viên phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho bà con vùng cao. Nhằm góp phần bảo tồn giống gà đen H'Mông bản địa, hợp tác xã đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăn nuôi gà theo hướng thực phẩm sạch, không dùng các chất kích thích, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm gà đen H'Mông ngày càng được khách hàng ưa chuộng, đặt mua nhiều. Thậm chí vào những ngày lễ tết, lượng hàng nhiều khi không đủ để bán ra thị trường. Bên cạnh phát triển chăn nuôi gà bản địa, nhận thấy khách hàng có nhu cầu đối với các sản phẩm đặc sản vùng cao, HTX đã mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mô hình nuôi gà đen được người dân xã É Tòng nhân rộng (Ảnh: Anh Ngọc) |
Năm 2023, HTX mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với người dân trong và ngoài xã nuôi 400 con lợn đen, 30.000 con gà đen; trồng 10 ha đậu đỗ các loại và 5 ha đẳng sâm. Đồng thời, phối hợp xây dựng đề án đưa trứng gà đen bản địa thành sản phẩm đặc trưng của xã É Tòng và là sản phẩm OCOP của huyện Thuận Châu. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân khi tham gia chuỗi liên kết.
Với hướng đi đúng, HTX nông nghiệp sinh thái EFARM không chỉ hỗ trợ các hộ thành viên phát triển sản xuất hiệu quả mà còn tạo ra sản phẩm đặc trưng, kết nối tiêu thụ nông sản, đặc sản của vùng cao Thuận Châu. Thông qua đó, tạo sinh kế bền vững để đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo, xây dựng kinh tế hộ gia đình. Hiệu quả đạt được của mô hình cũng mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thuận Châu.
Nuôi gà thả vườn, đồi theo hướng an toàn sinh học góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện miền núi Thuận Châu về đất đai, khí hậu và lao động. Ngoài ra, là tiềm năng để phát triển chăn nuôi hàng hóa, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc. Thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình cho các xã lân cận theo quy hoạch và định hướng phát triển của huyện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Mô hình nuôi gà đen thuần chủng theo hướng an toàn sinh học là 1 trong 9 dự án, mô hình trong Đề án phát triển 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu. Mục tiêu của mô hình nhằm tạo sinh kế, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. |