OPEC+ sẽ tăng nguồn cung dầu mỏ nếu thị trường có nhu cầu
Theo phóng viên tại Trung Đông, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei vừa cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, có thể sẽ tăng nguồn cung dầu mỏ ra thị trường nếu thị trường có nhu cầu.
Trả lời phòng vấn kênh truyền hình Asharq TV ngày 8/11, ông al-Mazrouei nói rằng: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng sản lượng dầu thô cho tới khi chúng tôi khôi phục được các mức cắt giảm sản lượng, vốn đã được thực hiện trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19."
Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị "Tuần Dầu mỏ châu Phi" diễn ra mới đây ở UAE, ông al-Mazrouei nêu rõ dầu mỏ và khí đốt vẫn rất cần thiết để đảm bảo các nguồn cung năng lượng đáng tin cậy trong giai đoạn chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Bộ trưởng Năng lượng UAE cho biết thêm tình trạng thiếu đầu tư vào ngành dầu khí có thể đẩy giá năng lượng lên cao hơn.
Ông al-Mazrouei cho rằng nếu không có sự can thiệp của OPEC+, giá dầu sẽ chứng kiến mức tăng lớn hơn, đồng thời nhấn mạnh "điều quan trọng đối với chúng ta hiện nay là đạt được sự cân bằng giữa cung và cầu."
Sau cuộc họp chính sách ngày 4/11, OPEC+ đã nhất trí duy trì kế hoạch tăng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 12/2021 và tiếp tục mức này tới các tháng đầu năm sau.
OPEC+ quyết định tiếp tục thực hiện thỏa thuận sản lượng đạt được trước đó 3 tháng, trong bối cảnh giá dầu thế giới trong năm nay đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm qua, đạt hơn 86 USD/thùng, nhờ nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục hồi mạnh mẽ sau khi nhiều nước trên thế giới nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế đi lại được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Bộ trưởng al-Mazrouei cũng cho biết UAE sẵn sàng đầu tư vào các dự án năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió ở châu Phi.
Trước đó vào tháng 10/2021, UAE công bố kế hoạch đạt mục tiêu "khí thải ròng bằng 0" vào năm 2050, với khoản đầu tư khổng lồ lên tới 163,3 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo./.