“Nhuộm áo” cho gạo Séng Cù: Đừng để màu sắc đánh lừa tri giác
Bài 2: ‘Bẫy dinh dưỡng sữa’, chiêu trò hiểm ác dắt mũi người tiêu dùng Táo Pháp tìm đường tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam Sự thật về gạo Séng Cù xanh gây sốt rần rần ‘chợ mạng’ |
Ít bữa nay, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Lào Cai- “thủ phủ” của gạo Séng Cù bỗng thấy trên mạng xã hội giới thiệu về gạo Séng Cù “xanh”, Séng Cù “cốm”. Tin ở Séng Cù lâu nay vẫn được mệnh danh là hạt ngọc về độ thơm, ngon, dinh dưỡng, không ít người mau mắn đi mua về thưởng thức.
Nhưng rồi loại gạo này khi nấu lại có nước cơm có màu xanh, hạt gạo khi chín vẫn có màu trắng và không có dấu hiệu gì khác biệt. Đến đây thì không ít người tiêu dùng mới vỡ lẽ gạo Séng Cù “xanh”, “cốm” được háo hức mua về vẫn là gạo Séng Cù như mọi khi.
Câu chuyện mang dáng dấp “mượn đầu heo nấu cháo” đánh lừa người tiêu dùng này làm cho người ta nhớ đến câu chuyện hài ở một số phiên chợ Bưởi ở Hà Nội một dạo. Thời đó, bỗng xuất hiện loài chó “hổ” khi chú chó được bán có lông vằn vện không khác gì lông hổ. Bỏ tiền mua chó “hổ” về, ít lâu sau bộ lông vằn vện biến mất và hiện nguyên bộ lông gốc của chú chó!
Trở lại câu chuyện gạo Séng Cù “xanh, cốm”. Nhân thấy đây là việc bán hàng không bình thường có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cơ quan chức năng đã dò tới tận “lò” của loại gạo này tại hộ kinh doanh thôn Na Đẩy (thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, Lào Cai) do ông Lục Văn Khón làm chủ.
Hoá ra đây chỉ là chiêu trò “nhuận sắc” cho hạt gạo Séng Cù từ… lá dứa xay nhuyễn. Hộ kinh doanh này đã bị lực lượng Quản lý thị trường phạt 7,5 triệu đồng do hành vi liên quan đến đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên lực lượng chức năng chưa làm rõ được lượng gạo Séng Cù "biến thái màu" đã được đưa ra thị trường.
Gạo Séng Cù "biến thái màu" gây sốt mạng với giá không rẻ |
Sự vào cuộc nhanh chóng, kiên quyết của lực lượng quản lý thị trường đã củng cố niềm tin cho người tiêu dùng với một thương hiệu gạo đã được bảo hộ, giải nỗi oan cho hạt gạo Séng Cù thực vốn chỉ có màu trắng. Tuy nhiên việc xử lý chưa bao gồm việc xâm phạm thương hiệu cùng hành vi lừa dối người tiêu dùng trong khi biểu hiện đã quá rõ ràng.
Cùng đó việc các cơ sở kinh doanh gạo Séng Cù “xanh”, “cốm” dùng lá dứa để "nhuận sắc" cho hạt gạo đem bán có thể ẩn chứa những nguy hại khó lường về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đáng ngại nữa là các cơ sở kinh doanh loại gạo "biến thái màu" này lại hoàn toàn không có chức năng chế biến thực phẩm trong đăng ký kinh doanh.
Rõ ràng là ở đây việc xử lý không nên chỉ dừng ở mức phạt hành chính mà cần có các hình thức đủ sức răn đe hơn để không lặp lại những câu chuyện hạt gạo đặc sản được người tiêu dùng tin yêu bỗng một ngày có hình hài mới mà thực chất là chỉ đội lốt, đánh lừa người tiêu dùng. Đặc biệt là với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với người Việt là mặt hàng gạo.
Ngẫm ra câu chuyện xây dựng ý thức cho người tiêu dùng thông thái vẫn hoàn toàn mang ý nghĩa thời sự. Bởi lâu nay thương mại điện tử phát triển rầm rộ quá, không chỉ còn ở các kênh bán hàng mà nó đã xâm nhập, đã bò cả đến bên giường ngủ, bàn làm việc của người tiêu dùng cùng vô vàn tiện ích mà cũng lắm tiện ích “vàng thau” lẫn lộn. Trong khi đó nhiều người tiêu dùng cũng vì những “tiện ích” được thương nhân giới thiệu có xu hướng hạ thấp độ thông thái, tỉnh táo của mình vốn vẫn không thể thiếu vắng trong tiêu dùng hiện đại.
Thế nên tránh chạy theo những lời quảng cáo, câu kéo dễ mua phải các sản phẩm kém chất lượng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm tưởng như đã thành cổ điển hoá ra vẫn là lời khuyên đáng giá cho dù thương mại điện tử có tiến đến đâu.