Những loại gia vị nào hỗ trợ giảm mỡ máu hiệu quả?
Cholesterol cao hay còn gọi mỡ máu cao là một vấn đề sức khỏe phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Khi nồng độ cholesterol trong máu quá cao có thể dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim và đột quỵ.
Dù sử dụng thuốc và thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát cholesterol cao nhưng áp dụng một vài biện pháp tự nhiên cũng hiệu quả không kém. Một số loại thảo mộc và gia vị phổ biến có các hoạt chất có tác dụng thay đổi cách cholesterol LDL tương tác với các gốc tự do - các thành phần có thể làm cho các phân tử trong LDL không ổn định, gây viêm và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch.
Nghệ
Người ta tìm thấy trong nghệ có một hợp chất chống viêm và kháng khuẩn tự nhiên tên là curcumin. Chuyên gia dinh dưỡng ung thư tại New York (Mỹ) Amanda Bontempo nhận định curcumin là “một trong những chất chống viêm mạnh nhất được xác định cho đến ngày nay”. Vì vậy, khi nói đến tác dụng ngăn ngừa ung thư, không quá khi nói nghệ là “vua của các loại gia vị”.
Nghệ cũng được chứng minh là có tác dụng làm giảm mức cholesterol xấu và chất béo trung tính. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, nghệ cũng được chứng minh là có tác dụng làm giảm mức cholesterol xấu và chất béo trung tính, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và đột quỵ, hỗ trợ chữa bệnh dạ dày. Theo nghiêu cứu thì dùng nghệ liên tục trên 12 tuần giúp giảm đáng kể huyết áp tâm thu, giảm hạ huyết áp.
Quế
Trong quế có chứa hợp chất cinnamaldehyde và axit cinnamic có thể làm giảm cholesterol xấu và chất béo trung tính. Bên cạnh đó, hợp chất hydroxy cinnamaldehyde còn có khả năng ngừa viêm và ngăn chất béo tích tụ trong máu, giúp giảm mỡ bụng, phòng ngừa mỡ máu.
Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 của Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy hợp chất cinnamaldehyde trong quế giúp ức chế sự di căn ung thư đại trực tràng nhờ ức chế phản ứng viêm làm tế bào ung thư phát triển. Mỗi ngày nên bổ sung ít nhất 1,5g (khoảng 3/4 thìa cà phê) quế vừa giúp tăng mùi vị cho món ăn, đồ uống lại vừa tốt cho sức khỏe.
Gừng
Gingerol, thành phần hoạt tính sinh học mạnh nhất của gừng, chịu trách nhiệm tạo nên hương vị và mùi thơm, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe do đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.
Mặc dù gừng thường được biết đến nhiều với tác dụng chống buồn nôn nhưng nghiên cứu gần đây đã xem xét tác dụng của gừng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch.
Gừng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe do đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Ảnh minh họa |
Gừng chứa các hợp chất gọi là gingerol và shogaol, được chứng minh là có đặc tính chống viêm, giảm cholesterol. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng gừng giúp giảm mức cholesterol LDL và cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Một đánh giá tổng hợp của 12 nghiên cứu cho thấy gừng đạt được kết quả tốt hơn khi sử dụng với lượng 2,4g (tương đương 1 thìa cà phê), bao gồm giảm trung bình 38 điểm chất béo trung tính và giảm 12 điểm trong tổng lượng cholesterol. Tăng chất béo trung tính, cholesterol và lượng đường trong máu đều là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim. Ngoài ra, gừng còn được chứng minh là giúp cải thiện tuần hoàn, giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch.
Hạt tiêu đen
Hạt tiêu đen có chứa một hợp chất gọi là piperine, được phát hiện là có tác dụng giảm cholesterol tiềm năng. Piperine ức chế hoạt động của một loại enzyme liên quan đến tổng hợp cholesterol trong gan và làm tăng bài tiết acid mật giúp hỗ trợ thêm cho quá trình tiêu hóa và hấp thu chất béo trong chế độ ăn uống.
Hạt tiêu đen cũng chứa chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm, bảo vệ chống lại tác hại do các gốc tự do gây ra và giảm nguy cơ phát triển mức cholesterol cao.
Hạt cỏ cà ri
Cỏ cà ri là một loại gia vị thường được sử dụng trong ẩm thực Ấn Độ và Trung Đông. Nó chứa các hợp chất gọi là saponin, được chứng minh là có đặc tính làm giảm cholesterol. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cỏ cà ri có thể giúp giảm mức cholesterol LDL và cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, cỏ cà ri còn được chứng minh là giúp cải thiện tiêu hóa và giảm viêm.
Tỏi
Tỏi là một trong những loại gia vị nấu ăn phổ biến nhất và được nghiên cứu nhiều nhất. Hơn 100 chất phytochemical đã được xác định trong tỏi, trong đó thành phần chứa lưu huỳnh allicin là chất được biết đến nhiều nhất. Allicin và các hợp chất lưu huỳnh khác tạo ra vị cay nồng và nhiều lợi ích sức khỏe.
Tỏi là một trong những loại gia vị nấu ăn phổ biến nhất và được nghiên cứu nhiều nhất. Ảnh minh họa |
Allicin và các hợp chất lưu huỳnh khác cũng được tìm thấy trong họ hàng của tỏi, bao gồm hành và tỏi tây. Các hợp chất lưu huỳnh có lợi cho sức khỏe này được hình thành khi tép tỏi được cắt, nghiền hoặc nhai.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỏi làm giảm huyết áp và chống lại tổn thương gốc tự do trong mạch máu của những người bị tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tỏi làm giảm lượng lipid trong máu, đặc biệt là cholesterol toàn phần và LDL.
Một phân tích của 39 thử nghiệm khác cho thấy tiêu thụ tỏi trong 2 tháng làm giảm đáng kể lượng cholesterol tổng cộng trung bình 17 điểm và cholesterol LDL trung bình 9 điểm ở những người có tổng mức cholesterol từ 200 mg/dL trở lên.
Mặc dù một nghiên cứu cho thấy mức tương đương với một tép tỏi là không đủ để tạo ra sự khác biệt nhưng theo 10 nghiên cứu khác cho rằng tiêu thụ 4 tép tỏi mỗi ngày sẽ tạo ra sự khác biệt. Một nghiên cứu khác cho thấy tỏi có tác dụng tốt hơn khi kết hợp với 1 thìa nước cốt chanh.
Lưu ý khác về chế độ ăn cho người bị máu nhiễm mỡ
Người bị máu nhiễm mỡ cần đảm bảo nguyên tắc ăn uống sau để giảm mỡ máu, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng tim mạch và huyết áp:
Ăn nhạt: Nên giảm lượng muối tiêu thụ xuống dưới 5g/ngày, sử dụng hạn chế trong nấu ăn và tránh dùng thực phẩm đóng hộp.
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol: Ăn hạn chế các thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày như: trứng (tối đa 2 quả/ngày), não, gan, nội tạng động vật, thịt đỏ các loại (thịt bò, thịt lợn,…). Bên cạnh đó thay thế mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè,…
Hạn chế đồ uống có cồn như rượu, bia,… vì các thức uống này là nguyên nhân cản trở quá trình điều trị máu nhiễm mỡ, đẩy nhanh tiến triển bệnh sang viêm gan, xơ gan.
Hạn chế đường: Hạn chế uống đồ uống hoặc các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt,…
Không ăn quá muộn: Ăn quá muộn vào buổi tối khi chuẩn bị đi ngủ khiến cho lượng cholesterol nạp vào không được tiêu hóa sử dụng, khiến chúng dễ tích tụ gây xơ vữa động mạch.
"Thông tin chỉ mang tính tham khảo, nếu bạn có vấn đề sức khỏe, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn." |