Nhiều điểm sáng trong quan hệ xúc tiến thương mại Việt Nam - Thuỵ Điển
Nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương
Việt Nam và Thụy Điển đã có 55 năm quan hệ ngoại giao, sự hợp tác đã được chứng minh rất hiệu quả, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu trong đó có Thụy Điển đạt 1,31 tỷ USD. Xuất khẩu Việt Nam đạt 788,65 triệu USD, tăng 6,2% và nhập khẩu đạt 523,3 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng hóa, nông sản của Việt Nam được nhiều doanh nghiệp Thụy Điển nhập khẩu, bày bán trong siêu thị (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển) |
Tháng 3/2024, Ngân hàng lớn nhất Bắc Âu là SEB đã lựa chọn Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị CEO Bắc Âu thường niên, quy tụ hàng trăm 100 CEO từ các công ty lớn nhất thuộc khu vực Bắc Âu. Nhấn mạnh về tầm quan trọng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thuỵ Điển, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh sự kiện này của SEB, thể hiện mong muốn cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng khi muốn tìm hiểu về thị trường Việt Nam để gia tăng cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, chuyển đổi số, phát triển bền vững...
Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển hợp tác quốc tế Thụy Điển nhấn mạnh, trong thời gian gần đây, với tư cách là một quốc gia đứng đầu Bắc Âu nói chung và trên thế giới nói riêng về phát triển nguồn năng lượng sạch, Thụy Điển luôn thể hiện mong muốn tăng cường phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững.
Mở đường cho hàng Việt thâm nhập vào thị trường Thuỵ Điển
Để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Thuỵ Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cho biết: “Các nước Bắc Âu luôn đi tiên phong trong xu hướng tiêu dùng và công nghệ ứng dụng mới. Do vậy, để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ sản xuất mới này, cần thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoạt động hợp tác, tổ chức đoàn nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm”.
Theo bà Thuý, Việt Nam cũng cần có các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ khu vực Bắc Âu, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng xuất khẩu tại chỗ và đào tạo nhân lực trong nước.
Đơn cử, công ty Syre của Thuỵ Điển hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải dệt may có ý định đầu tư một nhà máy tại Việt Nam với công suất 250.000 tấn/năm. Tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu – 1 tỷ USD. Công ty mong muốn phát triển hệ sinh thái mới về quản lý chất thải, sử dụng công nghệ mới nhất vào phân loại hàng dệt may, xây dựng các tiêu chuẩn về tái chế và phân loại chất thải, thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất tại địa phương từ các đơn vị tái chế khác khi hệ thống nguyên liệu thô được phát triển.
Trong trường hợp các quy định và chính sách của Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp như Syre đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp cải thiện được vấn đề rác thải dệt may trong nước cũng như mang lại hình ảnh đi đầu của ngành thời trang bền vững của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới.
Về phía các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương, Trưởng cơ quan Thương vụ tại Thuỵ Điển đã đưa hàng loạt khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, ngành thời trang thế giới đang dịch chuyển dần sang xu hướng sản xuất tuần hoàn, trong đó các vật liệu không bị loại bỏ sau khi sử dụng mà thay vào đó được tái chế hoặc sử dụng theo những cách khác để lượng chất thải được giữ ở mức tối thiểu. Để làm được điều này, các doanh nghiệp trong nước cần quan tâm nhiều hơn tới việc sử dụng các ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Ví dụ, thị trường Bắc Âu đang thúc đẩy phát triển công nghệ in, cắt 3D hoàn toàn tự động giảm tối thiểu nguyên vật liệu thừa với độ chính xác cao; công nghệ tái chế rác thải dệt may thành các sợi polyester thành phẩm, công nghệ vật liệu thông minh (e-textiles).
Thứ hai, đối với Trung tâm cung cấp nguyên phụ liệu ngành thời trang, cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về các tiêu chuẩn, chứng nhận đối với các thị trường nhập khẩu lớn để phân loại và chọn lọc các doanh nghiệp có đủ năng lực cung cấp nguyên phụ liệu dệt may đạt tiêu chuẩn.
Thứ ba, doanh nghiệp, hiệp hội chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời trao đổi với cơ quan Thương vụ ở nước ngoài về thay đổi chính sách của thị trường sở tại để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.