Nhập khẩu sầu riêng về Việt Nam tăng mạnh trong 8 tháng
Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng hơn 1.000% về lượng và giá trị Nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc dự kiến vượt 10 tỷ USD |
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho thấy, tính đến hết tháng 9 năm nay, sản lượng sầu riêng của nước ta đã đạt 984.800 tấn, tăng mạnh 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tháng 10 mới vào vụ thu hoạch loại “trái cây vua” này ở những vùng trồng có sản lượng lớn như Gia Lai và Lâm Đồng. Còn sầu nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây cũng sẽ cho thu hoạch vào các tháng cuối năm nay. Ước tính, sản lượng sầu riêng của nước ta có thể đạt trên 1,2 triệu tấn trong năm nay.
Theo đó, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa, một lượng rất lớn sầu riêng còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan và các thị trường khác.
Nhập khẩu sầu riêng về Việt Nam trong 8 tháng tăng đột biến 1.057% gấp 11,6 lần. Ảnh: NH |
Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết 9 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp đã chi gần 1,66 tỉ USD để nhập khẩu rau quả các loại, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung số 1 cho rau quả Việt Nam là Trung Quốc, gần 700 triệu USD, chiếm 39% thị phần, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là trái cây như lê, lựu, táo, cam, quýt… Vị trí thứ 2 là Mỹ, 305 triệu USD, chiếm 16% thị phần, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nguồn cung còn lại trong top 10 là: Úc, Myanmar, New Zealand, Nam Phi, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Campuchia.
Về chủng loại rau quả nhập khẩu, chi tiết đến hết tháng 8, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là các loại quả với giá trị 836 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dẫn đầu là quả táo với gần 167 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam cấp phép nhập khẩu táo từ rất nhiều nguồn trên thế giới như: Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Nam Phi, Pháp,…
Tiếp theo cũng là loại quả ôn đới gồm: hạt dẻ cười, nho, hạnh nhân với giá trị nhập khẩu từ 63 triệu USD đến 132 triệu USD.
Đáng chú ý, một số loại quả nhiệt đới cũng được tăng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm như: xoài nhập hơn 33 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước; nhãn nhập hơn 11 triệu USD, tăng 115%.
Cũng theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta ước đạt 2,5 tỷ USD - mức kỷ lục lịch sử. Trong đó, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước khoảng 2,3 tỷ USD.
Nhưng ở chiều ngược lại, nước ta cũng chi gần 9 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng trong 8 tháng năm 2024. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng đột biến 1.057%, tức gấp khoảng gần 11,6 lần.
Thực tế, tại thị trường nội địa, sầu riêng Việt được bán la liệt. Bên cạnh đó, tại các cửa hàng cũng bày bán rất nhiều dòng sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia với giá rất đắt đỏ.
Ví dụ, sầu Fumoni có giá 200.000-340.000 đồng/kg, sầu Kanyao giá dao động từ 430.000-700.000 đồng/kg, sầu riêng Black Thorn giá 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg; Musang King giá 650.000-900.000 đồng/kg. Một số loại sầu ngoại khác giá phổ biến trong khoảng 400.000-500.000 đồng/kg.
Các đầu mối bán sầu riêng nhập khẩu cho biết, giá của mỗi loại sầu đắt hay rẻ phụ thuộc vào chúng là hàng loại 1 hay loại 2. Ngoài ra, giá sầu riêng vận chuyển bằng máy bay sẽ đắt đỏ hơn vận chuyển bằng đường bộ và đường biển. Bởi, thời gian vận chuyển càng ngắn thì sầu càng tươi ngon.