Nhận định chứng khoán 20/11: Thị trường có tiếp đà giảm?
Nhận định chứng khoán 15/11: VN-Index có tiếp đà lao dốc? Nhận định chứng khoán 18/11: Thị trường có quay về mốc 1.200 điểm? Nhận định chứng khoán 19/11: Tránh mua đuổi trong những phiên hồi phục sớm |
Sau phiên phục hồi với thanh khoản giảm và áp lực bán vẫn luân phiên. VN-Index phiên 19/11 tăng điểm nhẹ đầu phiên. Áp lực điều chỉnh gia tăng dần và gia tăng mạnh trong cuối phiên khi áp lực dừng lỗ gia tăng mạnh của các vị thế T+2. Kết phiên giao dịch ngày 19/11, VN-Index giảm -11,97 điểm (-0,98%) ở mức 1.205,15 điểm.
Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng - vốn thường đóng vai trò nâng đỡ thị trường - nay trở thành nhân tố chính kéo chỉ số giảm sâu, với sự sụt giảm mạnh ở nhiều mã cổ phiếu lớn. Các nhóm ngành khác như bất động sản, chứng khoán và thép cũng ghi nhận diễn biến tiêu cực, làm tăng thêm áp lực lên toàn thị trường.
Thanh khoản giảm với khối lượng trên HOSE giảm -21,31% so với phiên trước. Tuy nhiên áp lực bán mạnh lại gia tăng, mở rộng trên rất nhiều mã, nhóm mã. Độ rộng thị trường tiêu cực áp đảo với 233 cổ phiếu giảm giá, 77 cổ phiếu tăng giá và 49 cổ phiếu giữ giá tham chiếu. Khối ngoại gia tăng bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị -1.661,44 tỷ đồng trong phiên 19/11.
Kết phiên giao dịch ngày 19/11, VN-Index giảm -11,97 điểm (-0,98%) ở mức 1.205,15 điểm |
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, xu hướng trung hạn tích lũy với vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm, tương ứng đường xu hướng tăng trưởng từ 2020 đến nay, cũng như vùng giá trung bình 5 năm.
Trong xu hướng ngắn hạn, VN-Index suy giảm dưới vùng kháng cự gần nhất 1.230 điểm, kháng cự mạnh hơn vùng giá cao nhất năm 2023 quanh 1.250 điểm. Vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm - 1.210 điểm, hỗ trợ tâm lý mạnh và vùng giá cao nhất năm 2018, cũng như đường xu hướng nối các vùng giá thấp nhất tháng 4/2024 và 8/2024 đến nay.
Trong ngắn hạn, mặc dù VN-Index biến động trên vùng hỗ trợ 1.200 điểm, tuy nhiên, mức độ rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn ở mức cao với áp lực bán mở rộng, gia tăng đột biến. Một phần nguyên nhân do áp lực bán mạnh của khối ngoại, áp lực cắt lỗ, giảm tỉ lệ dư nợ margin của nhà đầu tư khi lệ dư nợ cuối quí III/2024 ở mức cao gần 240.000 tỷ đồng.
“Nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên quản trị rủi ro ngắn hạn. Tỉ trọng dưới mức trung bình, quản trị rủi ro tốt nên xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng tốt”, chuyên gia của SHS lưu ý.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho biết, mặc dù rút chân tích cực trong phiên hôm qua, nhưng áp lực bán chưa dừng lại, tiếp tục gây nên sóng gió trong phiên hôm nay. VN-Index có phiên giảm điểm khá sâu, đóng cửa ở gần mức thấp nhất so với phiên hôm qua.
Tín hiệu tiêu cực trở nên áp đảo hơn sau phiên giảm điểm hôm nay, dù thanh khoản sụt giảm nhẹ hơn so với phiên hôm trước. Không loại trừ khả năng VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh mốc 1.180 điểm trong các phiên tới.
"Việc mua thăm dò ở ngưỡng 1.208 điểm chưa mang lại kết quả thuận lợi nên chúng ta cần thận trọng hơn trong vị thế mua mới và hạn chế đối đa việc mua bình quân giá xuống. Tạm thời ưu tiên vị thế quan sát, chờ VN-Index test ngưỡng hỗ trợ 1.180 điểm", chuyên gia CSI nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục mức thấp (<30%).
"Đối với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, có thể chọn lọc những cổ phiếu duy trì được diễn biến tích cực so với thị trường chung với tín hiệu phân kỳ dương ở các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD trên khung đồ thị ngày hoặc giờ để giải ngân thăm dò cho mục tiêu đầu tư ngắn hạn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần đặc biệt lưu ý tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư theo các ngưỡng chốt lời/cắt lỗ đã đặt ra trong giai đoạn này", chuyên gia VCBS nhận định.