Nguyên nhân do đâu bụi mịn khắp Hà Nội gây ô nhiễm không khí?
Hà Nội: Ô nhiễm không khí, khẩu trang chống bụi mịn đắt khách Nồng độ bụi mịn ở các tỉnh, thành đều vượt nhiều lần mức khuyến nghị |
Hà Nội đang có đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe người dân. Chỉ số chất lượng không khí theo thống kê của AQI (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) cho thấy, liên tiếp những ngày 4,5,6/3 Hà Nội đứng hàng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại Hà Nội |
Cụ thể, chỉ số trung bình tại Hà Nội là 204, cao gấp 30,1 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO),… AQI cũng chỉ ra, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2.5 - loại bụi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.
Có lẽ ai sống ở Hà Nội sẽ thấy có hàng loạt nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cho thành phố, trong đó phải kể tới như: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác là: Đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa,…
Nhiều ý kiến cho rằng, tất cả những nguyên nhân đó đều bắt nguồn từ con người, cụ thể là tăng dân số cơ học bởi Hà Nội là một trong những đô thị có dân cư đông đúc và vẫn đang trong quá trình tăng trưởng nhanh chóng. Theo số liệu thống kê gần nhất, Hà Nội ước tính đạt hơn 8 triệu người sinh sống.
Tăng dân số cơ học ở nội đô luôn kéo theo nhiều vấn đề đặt ra. Với số lượng dân cư như thống kê, nếu tính phương tiện cá nhân có tới hàng triệu ô tô, xe máy các loại. Mỗi năm Thủ đô tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện các nhân – Số liệu được Sở Giao thông vận tải Hà Nội thống kê gần đây.
Như vậy, hàng ngày khí xả thải từ số lượng xe máy, ô tô và các phương tiện cá nhân đã nói lên phần nào vì sao ô nhiễm không khí. Nếu quan sát bằng mắt thường, Hà Nội chỉ trong lành lúc trời rạng sáng, khi Hà Nội đón bình minh. Tuy nhiên, sau thời gian 8 giờ sáng, mọi thứ sẽ thay đổi bởi cuộc sống nhộn nhịp của người xe, lúc này bụi mịn dần bao phủ khắp các con phố.
Đây chính là lý do nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền thành phố nhanh chóng có phương án để người dân chuyển từ xe xăng sang xe điện, khuyến khích người dân bỏ xe dùng động cơ đốt nhiên liệu, chuyển sang xe điện và xe không phát thải.
Cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn trong việc kiểm soát khí thải xe máy, ô tô nhất là các xe không có bộ xúc tác và dùng bình xăng con để giảm bớt khói bụi.
Và hơn hết là chính quyền thành phố cần giải bằng được bài toán tăng dân số cơ học ở nội đô như hiện nay. Trước đó, từ những năm 2010 - 2011, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất di dời 12 trường đại học, cao đẳng và một số bộ ngành khác ra khỏi nội đô. Thành phố Hà Nội đã bố trí quỹ đất ở các đô thị vệ tinh như Sóc Sơn, Sơn Tây, Gia Lâm và Hòa Lạc,… Thế nhưng, đến nay đã 14 năm trôi qua, mới chỉ có trường Đại học Y tế công cộng được di dời, 11 trường trong danh sách còn lại vẫn ở nguyên vị trí cũ.
>>> Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!