Người dân được hưởng hàng trăm tỷ đồng tiền bảo hiểm từ thiệt hại do bão số 3
Bộ Tài chính vạch ra những sai phạm phổ biến của doanh nghiệp bảo hiểm Hà Nội: Khắc phục tồn tại tại công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm |
Vừa qua, cơn bão số 3 (Yagi) quét qua Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh thành lân cận đã gây ra hậu quả nặng nề. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (118 - 149 km/giờ), giật cấp 16 làm hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương, hàng chục tàu thuyền bị chìm, hàng ngàn nhà cửa, cây xanh, trụ điện hư hỏng, bật gốc… Hoàn lưu bão đang tiếp tục gây ra mưa lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc là rất cao.
Liên quan đến cơn Bão số 3 (Yagi) đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra, sáng ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có Công văn số 1202/QLBH-PNT của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm gửi các doanh nghiệp bảo hiểm.
Lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ. Ảnh: CTV |
Theo đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động cử cán bộ, nhân viên tới các địa bàn trọng điểm mà bão số 3 đi qua để xác định thiệt hại về người và tài sản của khách hàng tham gia bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để hỗ trợ nhân đạo, tiến hành xác định thiệt hại để tạm ứng và bồi thường cho các khách hành bị thiệt hại do bão số 3 để lại.
Theo thông tin Báo Công Thương cập nhật từ một số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đến chiều 9/9, một số doanh nghiệp bảo hiểm như PVI và AIA Việt Nam đã có ước tính sơ bộ về tổn thất của khách hàng do cơn bão số 3 gây ra; đồng thời thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam cho biết, AIA Việt Nam vừa có báo cáo nhanh về việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Bão số 3 – Yagi.
"Theo đó, tính đến 13h30, ngày 9/9, thông qua trưởng đại diện kinh doanh, văn phòng kinh doanh tại các địa bàn, AIA Việt Nam ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam là khoảng 6,5 tỷ đồng. Sau khi xác nhận bước đầu, Công ty chấp thuận chi trả cho toàn bộ các khách hàng này" - đại diện AIA Việt Nam cho hay.
Theo AIA Việt Nam, Công ty sẽ nỗ lực liên hệ với thân nhân khách hàng để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Bên cạnh AIA, Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) cũng đã triển khai việc bồi thường bảo hiểm cho nạn nhân bão Yagi lên tới hơn 300 tỷ đồng.
Đại diện PVI cho biết, trước đó, ngay khi có thông tin về cơn bão, bảo hiểm PVI đã gửi thông tin khuyến cáo đến khách hàng bằng nhiều phương tiện khác nhau, hướng dẫn các phương thức tránh bão, bảo vệ tài sản nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Tuy nhiên, với sức tàn phá quá lớn của siêu bão, nhiều khách hàng của bảo hiểm PVI đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong sáng ngày 7/9, khi cơn bão mới bắt đầu tiến vào đất liền, bảo hiểm PVI đã cử đoàn công tác về Hải Phòng, Quảng Ninh để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả và chủ động rà soát, thống kê các thiệt hại.
Tính đến ngày 9/9, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng (chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
"Là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường, bảo hiểm PVI đang chủ động phối hợp với các bên liên quan xử lý tổn thất với thời gian nhanh nhất, giảm thiểu tối đa thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng" - đại diện bảo hiểm PVI cho biết.
Tính đến 17h00 ngày 9/9, theo báo cáo của các địa phương đã có 71 người tử vong, mất tích liên quan đến cơn bão số 3. Ảnh: CTV |
Về diễn biến tình hình bão, theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn trung ương, dự báo, miền núi, trung du Bắc Bộ từ chiều 9-10/9, mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 350mm; từ đêm 10-11/9, mưa 40-80mm, có nơi trên 150mm.
Liên quan về thiệt hại do cơn bão gây ra, tính đến 17h00 ngày 9/9/2024, theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại bước đầu thống kê: Về người, 71 người tử vong, mất tích (49 người tử vong, 22 người mất tích), trong đó do bão 12 người; sạt lở đất, lũ quét 53 người; do lũ cuốn 6 người.
Cụ thể, Cao Bằng: 21 người (8 người tử vong, 13 người mất tích), trong đó chưa tính 16 người trên 1 xe khách bị cuốn trôi (trên xe có khoảng 20 người, đã tìm thấy 4 người tử vong); Lào Cai: 24 người (18 người tử vong, 6 người mất tích); Quảng Ninh 9 người tử vong (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người); Hải Phòng có 2 người tử vong do bão; Hải Dương 1 người tử vong do bão; Hà Nội 1 người tử vong do bão; Hòa Bình 4 người tử vong do sạt lở đất; Yên Bái 3 người tử vong do sạt lở đất; Lạng Sơn 2 người tử vong; Bắc Giang có 1 người mất tích do lũ cuốn; Tuyên Quang 2 người mất tích do lũ cuốn; Hà Giang có 1 người tử vong do lũ cuốn.
Hiện nay bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 11/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc.