Ngô hồi phục phiên thứ 4 liên tiếp, giá đậu tương suy yếu
Giá đậu tương có thể tiếp tục nhận được lực mua Đậu tương quay đầu suy yếu trước áp lực nguồn cung Nam Mỹ Lúa mì quay đầu giảm mạnh trước áp lực nguồn cung từ Biển Đen |
Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tháng 2, các mặt hàng nông sản diễn biến rung lắc và đồng loạt đóng cửa với mức biến động không đáng kể, dưới 1%. Giá đậu tương tiếp tục biến động giằng co, và là mặt hàng duy nhất đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, giá ngô và lúa mì ghi nhận mức tăng nhẹ, chủ yếu là nhờ số liệu bán hàng tương đối khả quan trong báo cáo Export Sales tối qua.
Cụ thể, USDA cho biết, trong tuần 16-22/2, Mỹ đã bán được 1,08 triệu tấn ngô niên vụ 23/24, tăng 31,9% so với báo cáo trước và cao hơn mức dự đoán trung bình của thị trường là 900.000 tấn. Tính từ đầu niên vụ, lũy kế bán hàng ngô của Mỹ đã vượt trên 30% so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung từ Mỹ vẫn đang ở mức cao. Trong khi đó, kết quả bán lúa mì của Mỹ trong tuần đánh giá cũng cải thiện hơn 40% so với tuần trước đó, hỗ trợ giá của mặt hàng này.
Tuy nhiên, Sở Kinh tế Nông thôn Deral mới đây đã điều chỉnh tăng nhẹ sản lượng ngô vụ 2 của Paraná lên 14,63 triệu tấn, cao hơn 3% so với niên vụ 22/23. Nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi trở lại, hỗ trợ cho cây trồng phát triển. Với vị thế là bang trồng ngô vụ 2 lớn thứ hai Brazil, sản lượng dồi dào hơn ở Paraná sẽ giúp củng cố triển vọng sản xuất của quốc gia Nam Mỹ này. Điều này đã gây áp lực nhẹ và kìm hãm đà tăng của giá ngô trong phiên vừa rồi.
Đối với đậu tương, Tiến sĩ Cordonnier, chuyên gia nông sản khu vực Nam Mỹ, cho biết diện tích gieo trồng thực tế của Mỹ có thể cao hơn mức 87,5 triệu mẫu mà USDA đưa ra trong diễn đàn Ag Outlook, nếu vụ xuân kết thúc sớm thúc đẩy tiến độ vụ hè. Triển vọng sản xuất tích cực hơn của Mỹ là yếu tố gây sức ép nhẹ đến giá CBOT.
Về mặt thương mại, doanh số bán đậu tương trong tuần16-22/2 của Mỹ đã tăng lên 159.725 tấn, từ mức 55.919 tấn trong tuần trước. Tuy nhiên con số này vẫn ở mức thấp so với dự đoán của thị trường, cho thấy đậu tương từ Mỹ đang gặp áp lực cạnh tranh đáng kể, đặc biệt là khi nguồn cung giá rẻ từ khu vực Nam Mỹ được tung ra thị trường sớm hơn trong năm nay.