Nghịch lý thị trường vàng: Cửa hàng trầm lắng, "chợ mạng" sôi động
Giá vàng nhẫn lập đỉnh, nhà đầu tư lãi đậm Giá vàng hôm nay 23/8/2024: Giá vàng giảm từ mức cao kỷ lục Giá vàng chiều nay 23/8: Giá vàng quay đầu giảm |
Trong khi thị trường vàng truyền thống trầm lắng, mạng xã hội lại trở thành những “phiên chợ” sôi động cho các giao dịch vàng. Chỉ cần gõ từ khóa “trao đổi, giao lưu vàng”, hàng chục nhóm công khai và riêng tư về mua bán vàng miếng, nhẫn 9999, vàng trang sức… lập tức hiện ra. Những nhóm này quy tụ lượng thành viên khổng lồ, mỗi bài viết đều thu hút hàng trăm lượt tương tác, minh chứng cho sức nóng của “cơn sốt vàng” trên mạng xã hội.
Các cửa hàng vàng trở nên ảm đạm, lác đác vài khách mua trên các phố vàng như Trần Nhân Tông, Hà Trung, Cầu Giấy. Ảnh: Phương Cúc |
Nắm bắt tâm lý “mua vàng tích trữ” của người dân, cộng với sự tiện lợi, nhanh chóng của giao dịch online, nhiều người đã chớp thời cơ đáp ứng nhu cầu cao của thực khách. Họ lùng mua vàng miếng với giá thấp, sau đó bán lại với mức chênh lệch lên tới 3-4 triệu đồng mỗi lượng.
Trao đổi với Báo Công Thương, anh Bảo Long (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh có nhu cầu mua 2 lượng vàng SJC làm quà cưới, hơn một tuần nay, anh miệt mài tìm hiểu và đăng ký mua vàng trực tuyến, nhưng việc đặt chỗ thành công không hề dễ dàng. Anh phải vật lộn với hệ thống đăng ký, khai báo thông tin 5-6 lần mới tạo được một suất mua vàng.
Tuy nhiên, sau khi đăng ký thành công, anh Long lại chưa thể mua được vàng do đến muộn hơn giờ giao dịch đã đăng ký trên hệ thống. Mỗi lượt đăng ký, anh chỉ được mua tối đa 1 lượng vàng và việc phải chờ đợi để mua được vàng khiến anh vô cùng ngán ngẩm.
Bất đắc dĩ, anh đã tìm đến các hội nhóm bán vàng miếng trên mạng xã hội để tránh mất thời gian. “Chỉ sau 2 phút đăng bài, đã có rất nhiều tài khoản nhắn tin với tôi để giao dịch. Giá tất nhiên sẽ chênh 1-2 triệu so với việc mua trực tiếp ngoài cửa hàng. Người bán cũng cung cấp hoá đơn mua vàng nên tôi nghĩ không có vấn đề gì”, anh Long chia sẻ.
Chung cảnh ngộ với anh Long, chị Minh Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã canh đăng ký mua vàng trên hệ thống ngân hàng từ đầu tháng nhưng vẫn chưa thể đăng ký. Lúc thì báo lỗi hệ thống, đăng nhập khó khăn và vài phút sau khi mở cửa, hệ thống các ngân hàng cũng kín chỗ, thông báo ngừng đặt trước. Tôi cũng đi nhiều cửa hàng kinh doanh vàng lớn trên địa bàn Hà Nội cũng không mua được”.
Thực tế cho thấy, trong khi việc mua bán vàng ở Công ty SJC và các ngân hàng thương mại, cũng như tại các tiệm vàng khá trầm lắng, thậm chí "ế ẩm" thì trên các hội nhóm, mạng xã hội, vẫn có nhiều người rao mua, rao bán vàng miếng số lượng lớn.
Có những nhóm thành viên lên tới gần 60.000 người, hàng ngày “gom đơn” từ cuối giờ chiều, cam kết "uy tín, tỷ lệ thành công đến hơn 90%", giao vàng mới nhận tiền phí, hoặc có mã QR thanh toán, có mail báo xác nhận mới nhận phí, không nhận tiền cọc…
Cẩn trọng tiền mất tật mang
Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam - cho rằng, hoạt động mua bán vàng miếng SJC trên mạng xã hội đang gặp phải một số vấn đề pháp lý đáng lo ngại, mua bán các loại vàng miếng với nhau có thể dẫn đến nhiều rủi ro, không có hóa đơn chứng từ có thể bị cơ quan chức năng xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngoài ra, việc tự thỏa thuận giá vàng miếng, vàng nhẫn để giao dịch có thể gây ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, gây mất ổn định thị trường vàng và thiệt hại do thất thu thuế.
Nhiều người dân tìm đến "chợ mạng" mua vàng. Ảnh: Phương Cúc |
“Việc cá nhân tự thỏa thuận giá và để giao dịch, mua bán các loại vàng miếng, vàng nhẫn với nhau nếu không đúng quy định được xem là giao dịch vô hiệu (theo Điều 117 và 120 Bộ luật Dân sự 2015). Đồng thời, do giao dịch dân sự vô hiệu nên không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế theo quy định pháp luật hiện hành. Việc cá nhân tự thỏa thuận giá và để giao dịch, mua bán các loại vàng miếng, vàng nhẫn với nhau nếu không đúng quy định có thể được coi là hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế”, luật sư Hùng cho hay.
Đặc biệt, luật sư Hùng cũng cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo, mua phải hàng giả, hàng nhái và đưa ra một số khuyến cáo cho người dân để tránh tình trạng tiền mất, tật mang như: Thứ nhất, xác minh nguồn gốc và uy tín của người bán. Trước khi thực hiện giao dịch, hãy xác minh kỹ lưỡng thông tin của người bán, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên quan khác.
Thứ hai, tránh giao dịch tại những nơi không chính thức. Không nên thực hiện giao dịch tại các địa điểm không chính thức hoặc những nơi không có sự kiểm soát về mặt pháp lý. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ gặp phải những người bán lừa đảo hoặc có hành vi gian lận.
Thứ ba, kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán. Khi nhận hàng, hãy kiểm tra kỹ lưỡng vàng miếng SJC về trọng lượng, tem, nhãn mác và các dấu hiệu nhận diện khác để đảm bảo đó là hàng thật và không bị giả mạo. Nếu có thể, hãy nhờ các chuyên gia hoặc sử dụng các dịch vụ thẩm định độc lập.
Thứ tư, giao dịch an toàn và tránh sử dụng tiền mặt. Hãy ưu tiên các phương thức thanh toán an toàn như chuyển khoản ngân hàng hoặc các dịch vụ thanh toán trực tuyến có bảo mật. Tránh giao dịch tiền mặt vì dễ gây ra tranh chấp và khó khăn trong việc giải quyết nếu xảy ra vấn đề.
Thứ năm, lưu trữ bằng chứng giao dịch. Luôn giữ lại tất cả các chứng từ liên quan đến giao dịch như biên nhận, hoá đơn, thông tin liên lạc và các bằng chứng khác. Điều này rất quan trọng nếu bạn cần phải khởi kiện hoặc khiếu nại trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Thứ sáu, cảnh giác với giá rẻ bất thường. Nếu giá bán được đưa ra quá thấp so với thị trường, đó có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo. Hãy luôn thận trọng và đối chiếu giá cả với thị trường trước khi đưa ra quyết định. Những cảnh báo này không chỉ giúp bạn bảo vệ tài sản của mình mà còn đảm bảo rằng bạn thực hiện các giao dịch một cách an toàn và hợp pháp.