Ngành giao thông vận tải: Những bước đi tiên phong
Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài
Năm 2015, chỉ số cạnh tranh về hạ tầng giao thông tăng gần 10 bậc, hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm được đưa vào hoạt động, công tác thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước dẫn đầu trong các bộ ngành… là những điểm sáng của ngành giao thông vận tải.
Đổi thay diện mạo mọi miền đất nước
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, đặc biệt là trong năm 2015, hạ tầng giao thông có sự biến chuyển dễ nhận thấy nhất. Từ các đô thị tới những miền quê, vùng núi, các công trình giao thông mới không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo mỗi vùng đất mà còn đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Câu nói ‘Giao thông đi trước một bước’ chưa bao giờ thấy đúng như lúc này.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 30/9/2015, chỉ số cạnh tranh về năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam được công bố tăng 9 bậc - từ 76 (năm 2014) lên 67 (năm 2015). Tổng hợp các kết quả đánh giá của WEF, chỉ số năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong năm 2015 tăng tới 36 bậc so với năm 2010. Kết quả này có được là do những năm qua, đặc biệt là năm 2015, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác, đặc biệt phải kể đến hệ thống giao thông nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ....
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, giai đoạn 2011-2015, ngành GTVT đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hơn 300 công trình giao thông có quy mô lớn, hiện đại, đáng kể nhất là khoảng 4.400km đường bộ và hơn 94.000m dài cầu đường bộ; đầu tư mới và đưa vào khai thác khoảng 704km đường cao tốc, vượt 104km so với mục tiêu đề ra. Nhiều công trình hoàn thành sớm hơn so với thời gian đề ra như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cụm nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đặc biệt, ngành đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 18 tháng; hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn kế hoạch ban đầu 12 tháng. Ngoài ra, còn phải kể đến các công trình đường sắt trên cao, đường sắt đô thị đang được triển khai; các dự án cải tạo và nâng cấp các cảng hàng không nội địa; xây dựng cầu và đường giao thông nông thôn....
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho hay: Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, ngành GTVT đã huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng rất mạnh mẽ, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2011-2015, số vốn ngoài ngân sách kêu gọi cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ lên tới mức kỷ lục 186.660 tỷ đồng (chiếm 92,15% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay); lĩnh vực hàng hải thu hút 121.453 tỷ đồng (bằng 77,06% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay). “Bên cạnh đó, bộ đã rà soát 68 dự án và tiết giảm được một lượng lớn vốn đầu tư lên đến 57.242 tỷ đồng so với tổng mức vốn đầu tư dự kiến ban đầu,” Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Điểm sáng về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Quyết liệt trong điều hành và hoạt động là điều dễ nhận thấy ở người đứng đầu ngành giao thông. Bởi thế, trong khi nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa giải xong bài toán tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì ngành GTVT lại nổi lên như một điểm sáng về hoạt động này.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ: Chúng tôi xác định cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn mang tầm chiến lược của Chính phủ, Quốc hội, liên quan đến phát triển đất nước. Công việc sống còn đó không thể chậm trễ được nữa, nhất là khi chúng ta hội nhập sâu, rộng và nuôi ý chí thay đổi mạnh mẽ. Từ nhận thức nền tảng ấy, chúng tôi đối chiếu để đưa ra những công việc cụ thể mà toàn ngành phải làm, với một lộ trình nhất định. Vì thế, mặc dù theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT phải hoàn thành cổ phần hóa 70 doanh nghiệp nhưng đến 30/6/2015, chỉ tiêu này đã được hoàn thành. Đồng thời, bộ tiếp tục rà soát, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa 67 doanh nghiệp tại các đề án tái cơ cấu, nâng tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa lên 137 doanh nghiệp.
“Nếu chỉ nêu lên một kinh nghiệm trong công việc cổ phần hóa của ngành GTVT, thì tôi sẽ nói rằng, chúng tôi đã chú tâm tạo được một ý chí tập thể từ trên xuống dưới, cùng nhau quyết tâm thực hiện nhiệm vụ”, Bộ trưởng Đinh La Thăng bật mí.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Những gì Bộ GTVT đã làm trong 5 năm qua, ngoài việc tạo ra một hệ thống hạ tầng được xã hội ghi nhận tích cực, còn là bước thử nghiệm quan trọng về tính hiệu quả của chủ trương mạnh dạn huy động nguồn lực xã hội. Chúng ta đã có cơ sở thực tế để khẳng định là nếu không có vài trăm ngàn tỷ đồng huy động từ xã hội, dưới hình thức đầu tư BOT, thì không thể có hàng loạt công trình giao thông lớn hoàn thành trước thời hạn, đang tạo dấu ấn phát triển mạnh mẽ, đang mang lại lợi ích cho nhiều thành phần dân cư, nhiều vùng miền như mọi người đều thấy. Công này không phải của riêng ngành GTVT, mà thuộc về toàn xã hội, là kết quả của khát vọng hiện đại hóa đất nước luôn cháy bỏng nơi mỗi người dân. |
Thùy Linh