Ngành du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước
Xu hướng mới của ngành du lịch và công nghiệp giải trí Du lịch Việt Nam giành nhiều giải thưởng quốc tế danh giá: Sức hút lớn, sức ép nhiều |
Năm 2024, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu đạt 840 ngàn tỷ đồng. Đây là mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thức và gây không ít lo ngại. Tuy nhiên, 11 tháng năm 2024, ngành du lịch đã đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong năm nay, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Trong 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024, có 5 sự kiện về du lịch và các sự kiện liên quan tới du lịch lọt vào danh sách này.
Với kết quả đạt được, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, du lịch hiện đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước.
Góp phần mang lại kết quả ấn tượng của ngành du lịch trong năm 2024 đến từ các chủ trương, định hướng từ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch năm 2017.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới. Ảnh: H.T |
Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 và Luật Du lịch năm 2027, ngày 19/12, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - ông Hồ An Phong nhận định, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch năm 2017 là chủ trương, định hướng phát triển quan trọng của Đảng và Nhà nước để phát triển du lịch xứng với tiềm năng, thế mạnh và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Nghị quyết 08-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Theo ông Phạm Văn Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về phát triển du lịch, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta về định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch Việt Nam đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Nhận thức về du lịch của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực. Vị thế của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đã và đang được định hình. Đến nay du lịch là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đặc biệt, sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. "Với tư cách là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành và tính xã hội hoá cao, sự phát triển của du lịch thời gian qua cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác"- ông Thuỷ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều. Sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều địa phương có tiềm năng, dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển, nhiều địa phương không có đầy đủ tiềm năng nhưng vẫn định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam dự báo, sau tác động của đại dịch Covid-19, du lịch toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi và tăng tốc mạnh mẽ. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo: trong năm 2025 du lịch toàn cầu sẽ phục hồi trở lại như thời điểm năm 2019; giai đoạn 2026 - 2030 sẽ là giai đoạn bứt tốc nhanh của du lịch toàn cầu lượng khách quốc tế có thể đạt 1,8 tỷ lượt vào năm 2030.
Trong nước, năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn vượt qua thách thức; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ thuận lợi mới nhưng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ rõ cũng xuất hiện nhiều khó khăn thách thức mới trong đó thách thức nổi trội hơn. Vì vậy, trước những yêu cầu mới đặt ra để đạt mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trụ cột và động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước, ngành du lịch đề ra các giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.
Trong đó, ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các Bộ ngành địa phương, cộng đồng dân cư về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh; nghiên cứu đề xuất ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch; chủ động nghiên cứu, dự báo để có phương án đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch...
Trước những yêu cầu mới đặt ra, để đạt mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trụ cột và động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước, ngành du lịch sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung của Nghị quyết 08-NQ/TW và đề ra các giải pháp để khắc phục những bất cập, tồn tại; tiếp tục triển khai những giải pháp có tính chất đột phá, đổi mới trong giai đoạn tới. |