Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày: “Cú hích” thu hút khách quốc tế
Việt Nam sẽ áp dụng thị thực điện tử bắt đầu từ năm 2017 Hàn Quốc thay đổi chính sách cấp thị thực 5 năm với công dân Việt Nam Chính phủ miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 13 nước |
Chính sách visa mới tạo cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch dài ngày hơn, hấp dẫn hơn Ảnh: Hạnh Nguyên |
“Lợi ích kép” cho ngành kinh tế xanh
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng giám đốc Flamingo Redtours chia sẻ, lâu nay, chính sách visa luôn là một trong những “điểm nghẽn” của ngành du lịch. Bởi vậy, những chính sách mới về thị thực, xuất nhập cảnh được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua sẽ là “cú hích” thu hút du khách quốc tế.
Chính sách visa mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm đa dạng, hấp dẫn hơn, nhất là các tour dài ngày, kết nối các điểm đến quốc tế cần xuất, nhập cảnh nhiều lần. Mặt khác, đây là cơ hội truyền thông, quảng bá tuyệt vời, thể hiện quan điểm Việt Nam luôn chào đón, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài.
Cùng nhận định, bà Nguyễn Thị Tiến Hào, CEO Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Mặt trời Phương Nam cũng tin tưởng, chính sách visa mới sẽ mang lại “lợi ích kép”, giúp Việt Nam mở rộng thị trường và tăng lượng khách quốc tế, nhất là khách ở những thị trường xa, có đường bay dài và khách đi du lịch bằng tàu biển cần thời gian lưu trú dài ngày.
“Để nắm bắt thời cơ này, ngành du lịch Việt cần có ngay kế hoạch thông tin, quảng bá đến mạng lưới đối tác tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Australia… về chính sách xuất, nhập cảnh mới”, bà Hào nhấn mạnh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới như: nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày; được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Luật còn cho phép công dân của các nước mà Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định. |
Chia sẻ, chính sách mới về visa và xuất nhập cảnh, cư trú cho người nước ngoài tại Việt Nam là tin vui lớn nhất đối với những người làm du lịch trong nhiều năm trở lại đây, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo ra những chính sách đột phá. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng lưu ý: “Những chính sách mới này chỉ là điều kiện cần. Để tăng sức hấp dẫn với du khách quốc tế, chúng ta cần triển khai một loạt giải pháp đồng bộ, như tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá; nâng cao hiệu quả công tác quản lý điểm đến; đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng cả yêu cầu về số lượng và chất lượng; áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động du lịch… Từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm cho du khách quốc tế”.
Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2023), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, qua 63 năm xây dựng và trưởng thành, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng tự hào.
“Năm 1990, chúng ta phục vụ 250.000 lượt du khách quốc tế; năm 2019, con số này là 18 triệu lượt, tăng gấp 72 lần trong 29 năm. Du khách nội địa tăng mạnh từ 1 triệu lượt (năm 1990), lên 85 triệu lượt (năm 2019). Sự tăng trưởng đó đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đóng góp trực tiếp, đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Cuối năm 2019 - đầu năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, trở thành đại dịch của thế giới. Covid-19 đã khiến ngành du lịch “đóng băng” và thiệt hại nặng nề. Tháng 11/2021, Việt Nam thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022.
Với việc đón tiếp và phục vụ gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế và 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2022; 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 64 triệu lượt khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt thẳng thắn nhìn nhận, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có nhiều đột phá; sản phẩm du lịch còn thiếu đa dạng, chưa thực sự đặc sắc, độc đáo và chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn vốn có; các dịch vụ chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ...; xúc tiến, quảng bá du lịch còn thiếu trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu...
Nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tạo đột phá trong việc phát triển du lịch cũng như khắc phục các tồn tại, hạn chế của ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3/2023. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đây là bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP. Kế hoạch hướng tới mục tiêu ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn gian - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
“Với tinh thần chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, tôi tin rằng, du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt tin tưởng.