Nâng cấp đô thị để giảm tải chung cư mini, nhà trọ giá rẻ
Sắp diễn ra triển lãm quốc tế “Đô thị thông minh châu Á” lần thứ 3 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Chuyên gia góp ý gì? Toàn cảnh khu nhà tái định cư bỏ hoang trong Khu đô thị Sài Đồng |
Thời gian gần đây, công tác phòng cháy chữa cháy được quan tâm hơn sau các vụ cháy chung cư mini, nhà trọ. Dư âm các vụ cháy để lại nỗi bất an, thậm chí có phần hoảng sợ cho người dân. Chính vì vậy, việc siết chặt công tác phòng cháy chữa cháy là rất cần thiết.
Theo đó, các chủ nhà phải đầu tư thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy, đảm bảo tiêu chuẩn kinh doanh và chi phí này tính vào giá cho thuê để bù đắp. Điều này khiến giá phòng trọ có xu hướng tăng nhanh từ cuối năm ngoái.
Công tác phòng cháy chữa cháy được quan tâm hơn sau các vụ cháy chung cư mini, nhà trọ |
Cụ thể, giá chung cư ở Hà Nội tăng cao khiến giá thuê nhà cũng tăng theo. Từ đầu năm đến nay, các loại hình căn hộ chung cư cho thuê, nhà trong ngõ, nhà trọ cũng tăng giá thuê lên 10-15%, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm như Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân...
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc kiếm một chỗ ở dù là mua hay thuê ở các chung cư cũ thậm chí ở các phòng trọ rất khó khăn do mức giá liên tục tăng nóng.
Lý giải nguyên nhân này, giáo sư cho biết nhu cầu thuê nhà của người lao động ở đô thị lớn luôn duy trì ở mức cao. “Nguyên nhân sâu xa khiến giá thuê phòng trọ, chung cư liên tục leo thang vì thị trường thiếu cung để đáp ứng cho những người từ tứ xứ đến Hà Nội học tập và làm việc. Nguyên nhân tiếp theo là giới đầu cơ đang tổ chức những cách thức để kích giá. Có thể quan hệ cung - cầu chưa đến mức đẩy giá cao đến như vậy nhưng động thái kích giá trên thị trường nó tạo ra một tâm lý khan hiếm từ đó giá sẽ bị đẩy lên cao hơn”, ông Võ chia sẻ.
Theo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI), Thành phố Hà Nội duy trì vị trí top đầu địa phương người dân muốn di cư đến nhất, 22% trong số này cho biết lý do muốn chuyển đến hai thành phố lớn để có cơ hội việc làm tốt hơn.
Giá thuê chung cư ở Hà Nội tăng cao khiến giá thuê nhà cũng tăng theo |
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư, trang bị phòng cháy chữa cháy khiến giá phòng trọ có xu hướng tăng ông Đặng Hùng Võ cho rằng ở đâu cũng phải tìm giải pháp phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn cho cuộc sống. Sau nhiều sự cố cháy nổ ở khu nhà trọ, chung cư gây hậu quả nghiêm trọng, việc siết an toàn phòng cháy chữa cháy là cần thiết, chi phí dành cho việc phòng cháy chữa cháy là bảo hiểm thân thể của người dân.
“Những phòng trọ cho giới sinh viên, người lao động thuê để kiếm sống thường có đường đi chật hẹp, xe chữa cháy không thể vào đến nơi. Hoặc vào tới nơi không tìm được họng tiếp nước để dập đám cháy. Cái đó áp lực nặng vì hạ tầng để đảm bảo cuộc sống ở những nơi như phòng trọ, chung cư mini đều thiếu rất nhiều thứ”, giáo sư nhấn mạnh.
Để giảm tải áp lực cho khu nhà trọ, chung cư mini nội đô, ông Võ cho rằng việc nâng cấp đô thị là điều cần thiết. Sự xuất hiện của các khu đô thị lộn xộn, thiếu hạ tầng, tiện ích, phi chính thức đã trở thành biểu hiện thực tế của quá trình đô thị hóa tự phát, là mối quan tâm dai dẳng đối với nhiều nhà thực hành, hoạch định chính sách.
“Các nước khác họ đã làm quá trình nâng cấp đô thị rất tốt, chúng ta phải học tập từ họ, kinh nghiệm từ các quốc gia trong nâng cấp đô thị cho thấy sự tham gia của cư dân, tổ chức cộng đồng rất quan trọng. Ở nước ta những khu ổ chuột không còn nhưng những khu phố nghèo vẫn còn đầy rẫy. Chính vì vậy phải nâng cao chất lượng đô thị trong bối cảnh tăng dân số cơ học khi hạ tầng đô thị không đáp ứng nổi”, ông Võ nói.
Hiện nay ở Nhật Bản đã đưa ra phương pháp hạn chế mở rộng đô thị, kiểm soát mở rộng đô thị, thay vào đó nước này đưa ra kế hoạch xây dựng hạ tầng đô thị bằng hệ thống phân chia thành các khu vực, bao gồm khu vực điều chỉnh đô thị, khu vực hóa đô thị, mở rộng khu vực đô thị hóa. Với mục tiêu phát triển đô thị hài hòa với môi trường, hiện nay Nhật Bản đã và đạt được các thành tựu trong việc xây dựng các mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh và sinh thái.
Trong tương lai, Nhật Bản tiếp tục xây dựng đô thị nhỏ gọn, thân thiện môi trường, giảm phát thải khí CO2, nâng cao sự tiện lợi của giao thông công cộng và phát triển đô thị trung tâm, đồng thời tiến hành chiến lược thông minh, thu gọn các vùng ngoại ô, đạt được đô thị bền vững.
Ngoài ra, để nâng cấp đô thị, kinh nghiệm từ phương pháp tái phân thửa, tái cấu trúc đất đang được nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện, kết quả là các khu ở lộn xộn, dàn trải có thể được chỉnh trang, tái phát triển với đường xá, hạ tầng được nâng cấp. Không gian đất đai được giải phóng dùng để xây dựng công viên, khu vui chơi, dịch vụ, bãi đỗ xe… Điều này giúp giá trị gia tăng này mang lại lợi nhuận cho cả người sở hữu nhà, đồng thời, cũng chính là nguồn lực để các công ty phát triển xây dựng không gian công cộng, dịch vụ mới cũng như để tái đầu tư cải tạo.
Hiện nhà ở xã hội được đánh giá là giải pháp hiệu quả, khả thi giúp lao động thuê với chi phí rẻ, có đầy đủ cơ sở vật chất và đảm bảo an ninh an toàn. Bởi nhóm đối tượng của phân khúc chủ yếu là người lao động, sinh viên, người mới ra trường...