Năm 2023, xuất khẩu điều chỉ đặt mục tiêu 3,1 tỷ USD
Kim ngạch nhập khẩu hạt điều giảm hơn 1 tỷ USD Không đạt mục tiêu, doanh nghiệp xuất khẩu điều tìm thị trường ngách |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho hay, xuất khẩu điều của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt xấp xỉ 27,27 nghìn tấn, trị giá 155,8 triệu USD, giảm 41,9% về lượng và giảm 42,1% về trị giá so với tháng 12/2022, so với tháng 1/2022 giảm 31,4% về lượng và giảm 33,8% về trị giá.
Năm 2023, xuất khẩu điều chỉ đặt mục tiêu 3,1 tỷ USD |
Tháng 1/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.714 USD/tấn, giảm 0,3% so với tháng 12/2022 và giảm 3,7% so với tháng 12/2022.
Tháng 1/2023 so với tháng 12/2022, xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Iraq. So với tháng 1/2022, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường giảm, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Iraq tăng.
Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam – nhận định, bước vào năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tăng trưởng của ngành điều dự báo sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm, thị trường nguyên liệu điều thế giới gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh trên, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu điều năm 2023 ở mức "khiêm tốn" với 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Đồng thời, duy trì chủ trương “giảm lượng, tăng chất”.
Theo Hiệp hội điều Việt Nam, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp điều Việt Nam đều có thói quen thu mua ồ ạt điều thô vào đầu vụ. Điều này gây ra tình trạng tăng mua, khiến giá điều thô luôn ở mức cao.
Ngoài ra, do áp lực tài chính, điều thô mua về phải đưa vào sản xuất ngay và bán điều nhân ra để thu hồi vốn. Từ đó dẫn tới tình trạng tranh bán, khiến giá điều nhân không thể tăng lên. Không chỉ vậy, việc chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống cũng khiến các doanh nghiệp điều Việt Nam luôn ở thế bị động và bị ép giá...
Ông Phạm Văn Công cho rằng, cách đầu cơ điều thô như những năm trước đã không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Thời gian tới, doanh nghiệp và ngành điều cần có chiến lược bài bản cho việc xây dựng và quản trị thương hiệu để phát huy tối đa giá trị thương hiệu của một ngành đứng đầu thế giới.
Việt Nam đang sở hữu công nghệ chế biến điều hàng đầu thế giới. Đây chính là thế mạnh về khả năng sản xuất nhanh, công suất lớn. Trong tình hình hiện nay, ông Tạ Quang Huyên - Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 – khuyến nghị, thay vì mua điều thô tích trong trong kho, các doanh nghiệp ngành điều khi nào ký được hợp đồng thì mới mua điều thô về sản xuất.
Khẳng định nhiều doanh nghiệp ngành điều đã xây dựng, phát triển thương hiệu riêng của mình ra toàn thế giới, tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho rằng, việc phát huy giá trị thương hiệu của toàn ngành điều Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả dù vấn đề đã đề cập nhiều năm qua. Do đó, ngành điều Việt Nam cần chiến lược bài bản để khai thác tối đa giá trị thương hiệu quốc gia. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi giá trị cho toàn ngành.
Bên cạnh đó, ngành điều cần tiên phong trong việc thực hành sản xuất xanh để đảm báo tấm vé vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản. Bởi đây đang là xu thế trên toàn cầu, trong đó, EU đang đi đầu về xu hướng này.
Trong khi đó, để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành điều, Hiệp hội Điều Việt Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều.
Cùng với đó, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, Hiệp hội để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều trong việc triển khai thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ.