Mỹ là thị trường nhập khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam
Xuất khẩu dệt may giảm hơn 1 tỷ USD Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang giảm thị phần |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng dệt may tháng 9/2024 tăng 15,8% so với tháng 9/2023, đạt gần 2,98 tỷ USD nhưng giảm 26,5% so với tháng 8/2024 .
Tính chung cả 9 tháng đầu năm 2024 kim ngạch đạt trên 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với 9 tháng đầu năm 2023. Việt Nam hiện xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ luôn đứng đầu về kim ngạch, đạt gần 12,01 tỷ USD, chiếm 43,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, tăng 9,1% so với 9 tháng đầu năm 2023; Riêng tháng 9/2024 đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34% so với tháng 8/2024 nhưng tăng 20,4% so với tháng 9/2023.
Hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ luôn đứng đầu về kim ngạch, đạt gần 12,01 tỷ USD, chiếm 43,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: Vitas |
Xuất sang Nhật Bản đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 3,13 tỷ USD, chiếm 11,4%, tăng 6,4%; Riêng tháng 9/2024 đạt 378,69 triệu USD, giảm 16,4% so với tháng 8/2024 nhưng tăng 5% so với tháng 9/2023.
Tiếp đến thị trường EU, đạt gần 3,08 tỷ USD, chiếm 11,3%, tăng 8,6%; Riêng tháng 9/2024 đạt 322,59 triệu USD, giảm 21,2% so với tháng 8/2024 nhưng tăng 32,5% so với tháng 9/2023.
Thị trường Hàn Quốc đứng thứ 4 đạt 2,38 tỷ USD, chiếm 8,7%, giảm nhẹ 1,8% và sang Trung Quốc đạt 978,17 triệu USD, chiếm 3,6%, tăng 18,3% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Nga là một trong những nước đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu gần 71 triệu USD sản phẩm dệt may sang Nga, tăng 97,6% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng, Việt Nam thu về 616,3 triệu USD nhờ xuất khẩu dệt may sang thị trường này tăng mạnh 118% so với 9 tháng năm 2023. Thị trường này chiếm 2,25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và đứng trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 5,6%, đạt gần 1,54 tỷ USD, tăng 11,6% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Nhìn chung, xuất khẩu hàng dệt may sang đa số thị trường 9 tháng đầu năm nay tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ, hiện tại thị trường ASEAN, Nga, Canada,… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Ngành dệt may Việt Nam chứng kiến sự khởi sắc trở lại trong năm 2024. Với quy mô xuất khẩu đứng thứ ba trên thế giới, sử dụng hơn 2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng đạt từ 3,5 đến 4 tỷ USD, những ảnh hưởng của thị trường, kinh tế thế giới đến ngành xuất khẩu dệt may Việt Nam rất lớn.
Trong bối cảnh những diễn biến bất ổn tại Bangladesh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhìn nhận: Trước mắt, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một số lợi thế khi năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh giảm sút giữa mùa cao điểm đang sản xuất hàng cho mùa đông; nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.
Ngoài ra, niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút. Nước này cũng sẽ chịu sức ép tăng lương cho lao động dệt may nên lợi thế về phí nhân công giá rẻ sẽ giảm đi.
Trong năm 2024, ngành dệt may được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với 2023). Với những tín hiệu tích cực của thị trường, mục tiêu nêu trên hoàn toàn có thể đạt được, tuy nhiên ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu thị trường chưa thật sự cải thiện, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng,… được dự báo tiếp tục tăng tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh.