Mường Khương phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Lạp xường Mường Khương gói trọn hương vị núi rừng Tây Bắc Mường Khương - Lào Cai: Nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc từ cây chè |
Mường Khương là một huyện biên giới của tỉnh Lào Cai với 14 dân tộc anh em chung sống: Mông, Nùng, Dao, Pa Dí, Bố Y…. Đây cũng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; qua đó, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc.
Đến nay, huyện Mường Khương đã phát triển được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như: Vùng chè, vùng dứa, vùng chuối, vùng quýt… Các vùng sản xuất hàng hóa này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Chuối Mường Khương được bán tại Phiên chợ văn hoá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai (Ảnh: MA – MC) |
Huyện Mường Khương có khí hậu lạnh, địa hình chủ yếu đất đồi dốc và cường độ ánh sáng cao, thích hợp cho cây chuối sinh trưởng, phát triển. Bên cạnh đó, chuối là loại cây dễ sống, không khắt khe về điều kiện trồng và tốn ít công chăm sóc hơn những cây ăn quả khác nên phù hợp với trình độ canh tác nông nghiệp của bà con vùng cao.
Sau gần 20 năm được trồng tại huyện Mường Khương, đến nay, cây chuối đã trở thành một trong những cây trồng hàng hóa chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con tại địa phương xoá đói, giảm nghèo. Hiện Mường Khương là huyện có diện tích trồng chuối lớn nhất tỉnh Lào Cai, tập trung chủ yếu tại các xã: Bản Lầu, Nậm Chảy, Lùng Vai, Thanh Bình…
Năm 2023, huyện duy trì vùng chuối hàng hóa đạt 1.500 ha, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất (đạt 28 tấn/ha), sản lượng đạt 32.200 tấn. Huyện cũng xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung theo hướng VietGAP, trong đó duy trì 100 ha chuối đã đạt chứng nhận VietGAP tại xã Nậm Chảy và phấn đấu 100% diện tích chuối sản xuất tập trung của huyện được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khảo nghiệm, lựa chọn một số giống chuối có năng suất cao, chất lượng tốt, đưa vào sản xuất thay thế giống chuối cũ.
Chè là một trong các ngành hàng chủ lực đang được huyện Mường Khương tập trung phát triển. Huyện đã vận động bà con chuyển đổi những diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng chè bởi cây chè phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Mường Khương.
Thu hoạch chè tại xã Bản Sen, huyện Mường Khương (Ảnh: Văn Văn) |
Trong mấy năm qua, địa phương đã xác định chè là cây trồng chủ lực phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất để đầu tư phát triển gắn với thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết hợp tác, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Theo kế hoạch đề ra, vụ trồng chè năm 2023, huyện Mường Khương phấn đấu trồng 900 ha chè hàng hóa; trong đó có 795 ha chè Shan và 105 ha chè Kim Tuyên.
Để hỗ trợ người trồng chè, huyện Mường Khương đã sử dụng kinh phí từ các chương trình, dự án, cụ thể: Nguồn các Chương trình Mục tiêu quốc gia hỗ trợ trồng mới 670 ha tại 15 xã, thị trấn; nguồn vốn dự án phát triển kinh tế, xã hội – mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 hỗ trợ trồng mới 30 ha tại 2 xã Cao Sơn và La Pan Tẩn; nguồn Dự án hỗ trợ kỹ thuật Phát triển mô hình sinh kế nông lâm kết hợp hỗ trợ trồng mới 200 ha tại các xã Bản Lầu, Tả Gia Khâu và thị trấn Mường Khương…
Trong đó, Dự án “Phát triển mô hình sinh kế nông lâm kết hợp góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường tại các xã biên giới huyện Mường Khương” do quỹ Mê Công - Lan Thương tài trợ đã hỗ trợ người Bản Lầu trồng chè. Điểm khác biệt của dự án này đơn vị quản lý dự án thực hiện khảo sát, thiết kế, tính diện tích rồi mới cấp cây giống và phân bón đúng với thực tế diện tích sản xuất của từng hộ. Mỗi hộ sẽ có một bản đồ riêng cho từng nương chè. Cùng với trồng chè, nông dân sẽ được hướng dẫn trồng xen cây trẩu với mật độ thích hợp, vừa làm cây che bóng, vừa mang lại thu nhập khi thu hoạch quả trẩu.
Lựa chọn phát triển cây chè từ sự hỗ trợ của dự án sinh kế mới, các thôn biên giới Mường Khương đang góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa vào lợi thế của địa phương, giúp ổn định kinh tế, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường theo các cam kết quốc tế.
Đến thời điểm này, toàn huyện Mường Khương có 4.941 ha chè hàng hóa với sản lượng đạt 26.234 tấn. Huyện đang có 7 cơ sở chế biến với công suất chế biến khoảng 38.000 tấn chè búp tươi/năm (3 nhà máy sản xuất chè xuất khẩu). Toàn bộ sản lượng chè búp tươi sản xuất ra được tiêu thụ thuận lợi, ổn định.
Trong thời gian tới, để phát huy giá trị các loại cây trồng, huyện Mường Khương tập trung hỗ trợ bà con phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng: Chè, dứa, chuối, quýt, lúa Séng cù, ớt… Phấn đấu đến hết năm 2025 diện tích chè đạt 6.500 ha, dứa 1.570 ha, chuối 1.000 ha, lúa Séng cù 700 ha, ớt 200 ha.
Tiếp tục quan tâm, thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các cơ sở chế biến liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực, tiềm năng cho người dân. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút thêm 2 nhà máy chế biến chè (1 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm cao cấp từ chè).