Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ trong bối cảnh mới: Phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương
Liên kết Vùng Nam Trung Bộ: Còn thiếu “nhạc trưởng” dẫn dắt
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung Bộ (Tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận) đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và đã hoàn thành được nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tọa đàm Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới nhận định những khó khăn, thách thức và tìm giải pháp để tăng liên kết giữa các địa phương tiểu vùng Nam Trung Bộ |
Tuy nhiên kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tiểu vùng vẫn còn những khó khăn; 3/4 địa phương trong tiểu vùng còn chưa tự cân đối được ngân sách; quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ và dễ bị tổn thương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn; các ngành thâm dụng lao động và giá trị gia tăng cao chưa có tỷ trọng lớn và chưa giữ được vai trò chủ đạo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện chậm; nguồn vốn đầu tư mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và không đồng bộ; chưa thích ứng với các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Tình trạng mở rộng đô thị có mật độ thấp, sử dụng đất đai chưa hiệu quả, tính cạnh tranh của các đô thị không cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu của phát triển bền vững. Phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trước các tác động bất lợi. Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn vùng.
Liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò “Nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nguyên nhân dẫn đến sự liên kết giữa các địa phương trong tiểu vùng chưa thật sự hiệu quả vì nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất vẫn là ở “người cầm trịch”. “Có thể thấy, hiện nay khi mà chữ “Tôi”, chữ “Anh” viết hoa chưa thể thay đổi được, vì vậy cần làm thế nào để chữ “Chúng ta” đặt trên cả chữ “Tôi” và “Anh”. Để cơ chế liên kết vùng thực chất hơn, đem lại hiệu quả tốt hơn cho 3 từ trên, tôi nghĩ chữ “Chúng ta” dần dần được viết hoa hơn”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho rằng cần xác định lợi thế của mỗi địa phương để liên kết và liên kết vùng trên nguyên tắc mỗi địa phương đều có lợi và có lợi ích chung của cả vùng |
Liên kết vùng dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng địa phương
Tại tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới" do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức vào 24/6, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của tiểu vùng, cả vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Nam Trung bộ nói riêng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định hướng liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tổ chức không gian phát triển các vùng nhằm khai thác tốt thế mạnh của từng vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Bố trí không gian phát triển các vùng cần gắn với các hành lang kinh tế đi qua địa bàn vùng và kết nối với các hành lang kinh tế khu vực, quốc tế.
Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế. Chú trọng hình thức PPP hoặc liên doanh trong thu hút FDI phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết vùng. Phát triển mô hình kinh tế mới, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường nhằm đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Tiến sĩ Phan Thị Song Thương, Viện kinh tế xã hội vùng Trung Bộ, cần liên kết phát triển theo hướng thống nhất phân bố lực lượng sản xuất của các ngành kinh tế một cách hiệu quả nhất, từ đó, phân công lao động trên địa bàn tiểu vùng hợp lý nhất. Đồng thời, liên kết phát triển hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp của các địa phương trong tiểu vùng. Phát triển dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng địa phương để tạo sức mạnh cho toàn toàn tiểu vùng. Nâng cao năng lực cạnh tranh của tiểu vùng thông qua tăng cường liên kết thu thút đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.
Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại tọa đàm |
Nói về vai trò của mình trong liên kết, phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho biết tỉnh sẽ rà soát và chủ động làm việc với các địa phương trong tiểu vùng để xác định những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên để hợp tác liên kết. Trong đó, phân định rõ chức năng trong việc phối hợp liên kết đó tạo thành một cơ hội phát triển cùng có lợi giữa các địa phương trong tiểu vùng và trong vùng nói chung để làm sao tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh và việc hợp tác này phải có lợi ích của từng địa phương cũng như lợi ích chung của tiểu vùng và vùng. Có như vậy việc hợp tác liên kết mới bảo đảm sự phát triển một cách hiệu quả và bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ đề nghị từ những thảo luận trên đề xuất Ban Chỉ đạo tham mưu các giải pháp về quy hoạch, tổ chức không gian tiểu vùng; giúp các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức và hành động nhằm tăng cường liên kết vùng, tiểu vùng.
Cùng với đó, các địa phương, chuyên gia... cung cấp cho Ban Chỉ đạo những luận cứ khoa học, thực tiễn để tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, nguồn lực đặc thù thúc đẩy liên kết tiểu vùng và liên kết vùng. Từ đó thúc đẩy liên kết tiểu vùng, nâng cao hiệu quả hoạt động của tiểu vùng, các khu công nghiệp, khu kinh tế biển, khu du lịch gắn với đô thị hóa và xây dựng các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế.