Câu chuyện thành công của doanh nghiệp Canada gốc Việt nhờ CPTPP
CPTPP: 'Cú hích' để tái cơ cấu chuỗi sản xuất toàn ngành thủy sản Thủy sản xuất khẩu sang thị trường CPTPP khả quan |
Trong thời gian 5 năm Việt Nam và Canada tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhiều doanh nghiệp của hai nước đã được hưởng ưu đãi khi tìm kiếm các cơ hội kinh doanh.
Công ty Canadian Vita, một doanh nghiệp chế biến nhân sâm gốc Việt, có thể được coi là điểm sáng thành công nhờ những cơ hội và ưu đãi mà CPTPP mang lại.
Nhân sâm sau khi thu hoạch chờ chế biến. (Nguồn: Vietnam+) |
Canadian Vita được anh Trần Hiếu thành lập từ năm 2017 khi còn đang theo học phổ thông.
Theo luật Canada, anh Hiếu lúc đó vẫn chưa đủ tuổi để hoàn thành các thủ tục về giấy tờ và mọi chuyện đều phải nhờ cậy vào người mẹ của mình.
Tuy nhiên, sự thành công đã đến thật bất ngờ vào một năm sau khi anh Hiếu tiếp quản công ty và quyết định chọn Việt Nam làm điểm tựa để phát triển kế hoạch xuất khẩu của mình.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, anh Hiếu cho biết ý tưởng thành lập công ty chế biến nhân sâm xuất khẩu về Việt Nam rất đơn giản vì nó xuất phát từ nhu cầu sử dụng của người nhà ở trong nước.
Nhưng cơ duyên đã giúp thúc đẩy công ty đi lên khi hai nước cùng tham gia ký CPTPP, một hiệp định miễn giảm thuế quan giúp đưa nhân sâm của Canada vào thị trường Việt Nam. Đây là một cơ hội tuyệt vời.
Việt Nam và Canada là hai trong số 11 thành viên của CPTPP - hiệp định thương mại tự do liên kết các đối tác của ba châu lục, gồm châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương.
Việc loại bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng nhân sâm đã mang lại lợi thế rất lớn cho Canadian Vita mà các đối thủ khác không thể có được.
Việt Nam dường như là sự lựa chọn tự nhiên khi công ty muốn sử dụng sự tương đồng về văn hóa để xây dựng mối quan hệ kinh doanh thông qua việc tham gia quá trình tiếp thị và bán hàng cùng các nhà nhập khẩu và phân phối trong nước.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, nhận xét Canadian Vita là một trường hợp hợp tác thành công nhờ nỗ lực của các Cơ quan Đại diện Thương mại Việt Nam và Canada trên cơ sở tận dụng CPTPP.
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới nguồn nguyên liệu từ Canada để đưa vào các sản phẩm truyền thống. Một số doanh nghiệp dược phẩm đã ký hợp đồng sử dụng nhân sâm trong các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng.
Đây là cách tận dụng tốt CPTPP để kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất giúp doanh nghiệp nâng quy mô sản xuất, bắt kịp nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Quy mô sản xuất hiện nay của Canadian Vita vào khoảng hơn 20ha, với sản lượng 150 tấn nhân sâm khô mỗi năm và doanh thu khoảng 9 triệu USD.
Doanh số bán hàng của công ty ở Canada chỉ chiếm 15%, trong khi ở Việt Nam là 60% và phần còn lại thuộc về các thị trường khác như Singapore, Malaysia và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Ngoài các sản phẩm là nguyên liệu như nhân sâm củ, nhân sâm cắt lát, Canadian Vita đã bắt đầu mở rộng sang các sản phẩm phân khúc cao cấp gồm viên nang thực phẩm chức năng, mật ong ngâm nhân sâm, chè, càphê và chocolate nhân sâm.
Công ty Canadian Vita khai trương showroom đầu tiên tại Thành phố HCM. (Ảnh: Vietnam+) |
Canada được đánh giá là một trong bốn nơi trồng và sản xuất nhân sâm hàng đầu thế giới. CPTPP đã thực sự giúp nhân sâm của nước này được chú ý nhiều hơn nhờ có lượng khách hàng đông hơn.
Nhân sâm của Canada có đặc tính hàn khác hẳn tính nhiệt của nhân sâm Hàn Quốc. Điều này sẽ có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng châu Á và cũng là điểm mạnh của Canadian Vita khi xuất khẩu về Việt Nam.
Anh Hiếu cho biết công ty rất tự hào với chiến lược tự phát triển của mình, đồng thời nhấn mạnh đây là thế mạnh vì nếu không tự phát triển thị trường tốt, không tiết kiệm triệt để và không có động lực để tiến lên thì Canadian Vita không thể phát triển được như hôm nay.
Hiện tại, Canadian Vita đã triển khai được hơn 200 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới, trong đó có hai cửa hàng tại Việt Nam.
Trong tương lai, công ty này đang có kế hoạch mở một cửa hàng ở mỗi tỉnh của Việt Nam và tiếp tục tiến vào các nước có ký CPTPP để tận dụng tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại./.