Lật tẩy chiêu trò câu view và xuyên tạc chủ trương nồng độ cồn
Xử lý vi phạm nồng độ cồn - nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên liên tục năm 2024Xử lý hơn 30.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 10 ngày ra quân cao điểm Tết |
Ảnh minh hoạ. |
Mới đây trên một trang Facebook về kinh tế tự nhận là có mấy trăm ngàn thành viên xuất hiện dòng “tus” khá giật gân: “Máy thổi nồng độ cồn thổi bay 10.000 tỷ của các doanh nghiệp bia”. Tuy nhiên ở dòng link được dẫn trong bài lại là “Năm 2023 thổi bay doanh thu các doanh nghiệp bia” (!)
Sự lập lờ này không có gì khác hơn là vừa xuyên tạc quy định về nồng độ cồn bằng 0 với người điều khiển phương tiện giao thông, vừa lập lờ câu view, cần thiết phải có hình thức xử lý.
Cần phải khẳng định, doanh thu của các doanh nghiệp ngành bia rượu và quy định mốc 0 của nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông là hai câu chuyện khác nhau về bản chất. Việc gắn hai câu chuyện này là động thái hoàn toàn đi ngược lại các nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc thực hiện nghiêm các quy định nhằm giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu bia trong giao thông cùng các hậu quả kinh tế xã hội khác, nhất là trật tự, an toàn xã hội.
Trên thực tế, việc các thương hiệu bia giảm doanh thu đã diễn ra nhiều năm nay do nhiều nguyên nhân khác chứ hoàn toàn không phải đợi đến khi nhà chức trách “siết” việc kiểm tra nồng độ cồn trên đường giao thông mới có chuyện giảm doanh thu.
Các con số thống kê từ lâu đã cho thấy, Việt Nam là một cường quốc về tiêu thụ rượu, bia cũng như các loại đồ uống có cồn không chỉ ở khu vực mà còn mang tầm thế giới. Danh xưng không mấy hay ho này đã để lại vô số câu chuyện buồn cùng việc lặp đi lặp lại những hình ảnh vô cùng phản cảm về văn hoá ẩm thực mà lẽ ra phải mang tầm khu vực, tầm thế giới về độ tinh tế ở một đất nước như Việt Nam.
Cùng với việc hạn chế tác động của bia, rượu và các thức uống có chứa cồn khác, pháp luật Việt Nam không có điều khoản cấm công dân sử dụng các thức uống này. Vấn đề là uống thế nào để nhu cầu cá nhân không trở thành hậu họa cho chính cá nhân người uống cũng như cộng đồng. Ở đây không hề có chuyện pháp luật “vi phạm quyền tự do cá nhân” như một số luồng ý kiến mang tính cơ hội chủ nghĩa xuyên tạc quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện giao thông.
Tác hại của việc lạm dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã không còn gì mới lạ. Ở đây chỉ xin dẫn số liệu mới nhất của Bộ Công an cho thấy, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra.
“Việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn với lái xe đang phát huy hiệu quả, thể hiện trong năm 2023 số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia giảm 25%, giảm 50% số người chết và giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ 2022”, Bộ Công an cho biết.
Vấn đề ở đây chính là tạo dựng ý thức mới cho người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông bởi như quan điểm của Bộ Công an trong dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, “một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó xã hội rất cần sự nghiêm khắc".
Cái cần ở đây cũng còn là sự chia sẻ, đồng thuận về sự cần thiết cũng như tính nghiêm khắc của quy định. Sự nghiêm khắc đó còn thể hiện sự văn minh của cơ quan thực thi pháp luật lẫn ứng xử của công dân.
Dưới góc độ kinh tế, việc sụt giảm doanh thu của các doanh nghiệp ngành rượu bia, một ngành kinh tế có những đóng góp nhất định về kinh tế và an sinh xã hội đã và đang được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết bằng các giải pháp bền vững.
Và xét cho cùng khi mỗi người trong chúng ta tham gia giao thông trên các tuyến đường trong tâm trạng tỉnh táo, thoải mái và tập trung cũng như bớt đi những nỗi lo tai nạn giao thông rình rập, thì đó há chẳng phải là hạnh phúc của từng người, từng gia đình và của cả cộng đồng đó sao?