Lào Cai: Phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực
Lào Cai: Phát triển bền vững vùng nguyên liệu quế hữu cơ Hàng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai khá thuận lợi |
Bên cạnh đó, Lào Cai tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho các hộ dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nhiều mô hình liên kết sản xuất thực hiện thành công và hiệu quả như: Cây dược liệu ở các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai; cây chè ở các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên; cây quế ở huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng; cây chuối, dứa ở huyện Bát Xát, Mường Khương…
Trong chăn nuôi, Lào Cai đã phát huy lợi thế để phát triển các sản phẩm bản địa, đặc thù của các địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao như: Phát triển đàn bò vàng, trâu sinh sản ở thị xã Sa Pa, huyện Mường Khương; nuôi ngựa, dê ở huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng; nuôi gà đen ở huyện Si Ma Cai, Bảo Thắng...
Nhà máy chế biến hoa quả Mường Khương tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương (Ảnh: Kim Huệ - Mạnh Cường) |
Với phương châm “mỗi xã một sản phẩm đặc hữu”, huyện Mường Khương tập trung phát triển vùng hàng hóa đặc hữu gắn với xây dựng thương hiệu nông sản. Theo đó, huyện lựa chọn các loại nông sản mũi nhọn, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, đồng bào có trình độ canh tác thuần thục để phát triển thành vùng hàng hóa tập trung, tuân thủ quy trình sản an toàn để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Hiện, huyện Mường Khương đẩy mạnh thực hiện các liên kết sản xuất, tạo các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản. Đến nay, Mường Khương có 8 cơ sở, nhà máy chế biến chè và một số cơ sở chế biến nhỏ lẻ, đảm bảo chế biến, tiêu thụ 100% sản lượng chè búp tươi của huyện; 1 nhà máy chế biến rau, quả phục vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm dứa. Đặc biệt, năm 2020, Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu đã xây dựng Nhà máy chế biến sản phẩm dứa đóng hộp phục vụ xuất khẩu tại xã Lùng Vai với nguồn nguyên liệu từ liên kết sản xuất và tiêu thụ với người dân trồng dứa trên địa bàn huyện.
Tại huyện Bắc Hà đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Chuỗi sản xuất, chế biến chè Shan hữu cơ tại xã Bản Liền, xã Tả Củ Tỷ với Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà; chuỗi sản xuất quế tại các xã: Bảo Nhai, Nậm Đét, Cốc Lầu, Nậm Lúc, Bản Cái, Cốc Ly với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà; chuỗi sản xuất quế hữu cơ giữa Hợp tác xã quế hữu cơ Nậm Đét và 150 hộ, liên kết sản xuất 1.200 ha quế; chuỗi liên kết cây ăn quả ôn đới giữa nông dân và Hợp tác xã cộng đồng Tả Van Chư, Hợp tác xã Quang Tom…
Sơ chế quế hữu cơ ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà (Ảnh: Lưu Hoa) |
Là huyện biên giới nhưng đến nay, huyện Bát Xát đã xây dựng được 14 chuỗi nông sản được cấp giấy chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp: Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn lọc các cây trồng (lúa, rau, củ, quả) phù hợp với nhu cầu của thị trường để mở rộng diện tích; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sử dụng biểu mẫu ghi chép, lưu trữ hồ sơ, hỗ trợ kiểm soát, giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem truy xuất nguồn gốc. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đẩy mạnh đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…
Hợp tác xã chế biến thực phẩm sạch Gia Phú (huyện Bảo Thắng) tham gia các hội chợ triển lãm (Ảnh: Đức Toàn) |
Với cách làm hiệu quả, nhiều chuỗi nông sản an toàn của huyện Bảo Thắng đã khẳng định được thương hiệu, phát triển và trở thành các sản phẩm OCOP uy tín trên thị trường như: Các sản phẩm thịt sấy của Hợp tác xã chế biến thực phẩm sạch Gia Phú, bưởi Múc của Hợp tác xã bưởi Múc xã Thái Niên… Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, huyện Bảo Thắng đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức cho người dân về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, xây dựng các chuỗi cung ứng rau, quả, thịt (lợn, gia cầm), thủy sản… an toàn; kết nối các hộ và cơ sở kinh doanh tạo thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân sản xuất nông sản an toàn; tổ chức ký cam kết, xác nhận nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Lào Cai được quan tâm chú trọng, bước đầu hình thành các mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; một số cơ sở chế biến tạo ra giá trị gia tăng cao, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. |