Lào Cai: Phát triển bền vững vùng nguyên liệu quế hữu cơ
Lào Cai: Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai: Nông dân vùng cao Bắc Hà vui mùa trồng cây dược liệu cát cánh |
Cây quế được đồng bào dân tộc Dao đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai cách đây gần 50 năm tại một số xã vùng thấp thuộc các huyện: Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng. Trồng quế hữu cơ đã giúp đồng bào người Mông, người Dao đỏ nơi đây có cuộc sống ấm no, sung túc hơn.
Quế từ cây xóa đói, giảm nghèo đã trở thành cây trồng chủ lực của đồng bào dân tộc |
Với người dân Bảo Yên, cây quế có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây lâm nghiệp khác như keo, bồ đề. Đặc biệt, cây quế sống được trên các diện tích đất bạc màu, đất xói mòn và phù hợp với khí hậu nơi đây nên đã trở thành cây chủ lực để xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Để phát triển cây quế bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, Bảo Yên đã và đang có những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu các sản phẩm từ quế như: Tinh dầu quế, quế sáo, bột quế, sản xuất chế biến dược liệu, mỹ phẩm từ quế, viên nén mùn cưa quế…
Hiện Bảo Yên đã có 3 nhà máy chế biến tinh dầu quế quy mô lớn và nhiều cơ sở sơ chế vỏ quế, sản xuất tinh dầu quy mô nhỏ, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đặc biệt, nhờ trồng quế hữu cơ mà đồng bào người Mông, người Dao đỏ địa phương đã thay đổi tư duy, tiếp cận phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ để trồng quế.
Mặc dù cây quế đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, nhưng để phát triển bền vững, huyện Bảo Yên đang tập trung xây dựng thương hiệu quế hữu cơ Bảo Yên. Với 25.200 ha quế hiện có, huyện đã mời các doanh nghiệp vào nghiên cứu, thực hiện quy trình quế hữu cơ, định hướng từ nay đến 2025 xây dựng 5.000 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Tại huyện Bắc Hà, ngay từ năm 2018, Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà triển khai dự án trồng quế hữu cơ trên địa bàn xã Bản Cái. Nhờ đó đến nay toàn xã đã xây dựng được vùng quế hữu cơ với gần 120 hộ ở 3/5 thôn của xã tham gia.
Ngày hội sản xuất quế hữu cơ tại Lào Cai |
Để khuyến khích đồng bào thay đổi tư duy, gắn bó với kinh tế rừng, những năm qua, xã Bản Cái đã vận động người dân trồng rừng và tập trung phát triển cây quế theo hướng hữu cơ. Ở các thôn, bản cũng đã thành lập những tổ hợp tác trồng quế hữu cơ. Thành viên của các tổ thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc quế. Đồng thời, liên kết thu mua và sơ chế sản phẩm quế để cung cấp ra thị trường với mức giá cao nhất. Qua đó, giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên, thu nhập của các hộ thành viên cao hơn so với trước đây. Hiện Bản Cái đã có 3/5 thôn đã thành lập tổ hợp tác trồng quế hữu cơ và đang hoạt động hiệu quả.
Với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ bền vững, xây dựng và mở rộng liên kết sản xuất với thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Lào Cai xây dựng kế hoạch phát triển quế hữu cơ năm 2023 đạt 7.500 ha. Cùng với đó sẽ tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác về chứng chỉ hữu cơ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, phục vụ xuất khẩu sang các nước châu Âu; hỗ trợ thành lập các tổ, nhóm về sản xuất quế hữu cơ bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Lào Cai sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích quế theo hướng hữu cơ bền vững làm cơ sở mở rộng, phát triển vùng quế hữu cơ; tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn giải pháp về phát triển quế hữu cơ; có ít nhất 60 tổ, nhóm, hợp tác xã, doanh nghiệp được đào tạo, nâng cao năng lực với hơn 3.000 người tham gia. Các tổ, nhóm này sẽ được ký thỏa thuận hợp tác với các hợp tác xã, doanh nghiệp để đánh giá, cấp chứng chỉ quế hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm quế.
Đồng thời, triển khai một số giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu về hiệu quả và lợi ích của việc phát triển quế hữu cơ; thành lập tổ, nhóm sản xuất quế hữu cơ; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất quế hữu cơ; tổ chức họp thống nhất với các địa phương và doanh nghiệp về liên kết xây dựng vùng quế hữu cơ. Quan tâm cấp các loại chứng chỉ hữu cơ theo yêu cầu của thị trường, ưu tiên thực hiện việc đăng ký chứng nhận theo cấp tuổi và tính khả thi khi chứng nhận, duy trì chứng chỉ. Vận động hình thành các tổ, nhóm sản xuất quế, tạo liên kết giữa người dân, tổ, nhóm với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư, thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ hữu cơ.
Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hình thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính. |