Lào Cai: Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND về hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi và người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đặc thù trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Lào Cai sẽ hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho nhóm người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi, người dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Bố Y, dân tộc Lô Lô...) đang thường trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai chưa được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định. Các mức hỗ trợ cụ thể như sau: Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người dân tộc có khó khăn đặc thù, hỗ trợ 50% mức đóng cho người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2025.
Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người dân tộc có khó khăn đặc thù |
Tỉnh Lào Cai có 2 dân tộc thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù là dân tộc Bố Y và dân tộc Lô Lô sinh sống tại 18 thôn, 6 xã thuộc huyện Mường Khương. Trong đó, dân tộc Bố Y là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất ở miền Bắc Việt Nam. Kinh tế chủ yếu của người Bố Y là sản xuất nông nghiệp nương rẫy và chăn nuôi. Ngoài ra, người Bố Y cũng có một số nghề thủ công khác như: Mây tre đan, đồ mộc nhưng cuộc sống của người Bố Y gặp rất nhiều khó khăn. Cũng là một trong những dân tộc thiểu số ít người, dân tộc Lô Lô chủ yếu trồng ngô, làm lúa nương, đời sống còn rất nhiều khó khăn.
Trong lĩnh vực giáo dục, Lào Cai sẽ hỗ trợ học phí cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, từ ngày 1/1/2023 đến hết năm 2025, Lào Cai sẽ hỗ trợ 100% mức thu học phí đối với đối tượng phải đóng học phí theo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Thời gian trẻ được hưởng hỗ trợ được tính theo số tháng thực học và không quá 9 tháng của năm học.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế của địa phương |
Theo số liệu thống kê, hiện nay tỉnh Lào Cai có hơn 70% lao động là người dân tộc thiểu số tập trung ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, đồng thời, tạo điều kiện cho lao động phát triển luôn được tỉnh quan tâm. Thời gian qua, các cơ sở giáo dục, dạy nghề đã tập trung đào tạo thanh niên dân tộc thiểu số một số ngành sản xuất truyền thống sẵn có như: Kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng, chế biến lâm sản, trồng rau an toàn... Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung đào tạo, phát triển các lĩnh vực ngành nghề mới như: Du lịch cộng đồng, kỹ thuật xây dựng, cơ khí…
Riêng năm 2022, tại 10 xã "lõi" nghèo, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã tổ chức 12 phiên giao dịch với 550 lao động tham gia. Thời gian tới, Lào Cai tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số (nhất là ở 10 xã nghèo nhất); gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ dự án phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương. Bên cạnh đó, Lào Cai đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, quan tâm giải quyết việc làm cho lao động vùng giải phóng mặt bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.