Lạm phát năm 2024: Khả năng tăng mạnh là khó xảy ra
Lạm phát năm 2024: Không còn “nóng” như 2023? Giá kim loại quay đầu suy yếu sau dữ liệu lạm phát sản xuất Mỹ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,08%, lạm phát cơ bản chỉ 2,75% |
Mức tăng 4,39% trong quý II và 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024 của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát năm 2024.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), những dữ liệu mà ông có trong tay lại không cho thấy áp lực lên kiểm soát lạm phát cho các tháng còn lại của năm 2024 là quá lớn, bởi trên thực tế những áp lực mà giới chuyên gia quan sát được là "dư âm" của các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục từ quý III năm ngoái. Đến quý III năm nay, hiệu ứng từ các điều chỉnh này đang giảm dần.
Phân tích sâu thêm, vị chuyên gia này cho rằng, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI của 6 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy rõ áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải và nếu nhìn xa hơn vào cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2024, tốc độ CPI tăng bình quân thấp hơn giai đoạn 2014 - 2024, tức là “nền kinh tế đang hoạt động ở mức dưới tiềm năng” theo TS Độ.
Áp lực lạm phát cuối năm 2024 sẽ không lớn theo các chuyên gia. Ảnh minh họa |
Bởi vậy điều này cho thấy cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu và điều doanh nghiệp quan tâm tới đây là tiêu thụ hàng hoá chứ không phải tăng giá hàng hoá. Do vậy nếu loại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (chưa được công bố về quy mô và thời điểm), có thể có 3 kịch bản lạm phát năm 2024.
Kịch bản cao là 3,6% khi CPI tăng trung bình 0,26%/tháng trong 6 tháng cuối năm; kịch bản trung bình là 3,4% khi CPI tăng 0,1%/tháng và kịch bản thấp là 3,2% khi CPI tăng trung bình 0%/tháng.
Cùng quan điểm với TS Độ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2024 cho dù áp lực lạm phát vẫn là điều đáng phải quan tâm song trong bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hoá thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát tăng mạnh là “khó xảy ra”.
Thêm vào đó theo ông Long, trong bối cảnh Chính phủ luôn thận trọng trong việc điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, lạm phát của Việt Nam trong năm 2024 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát, qua đó tạo dư địa để đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Long đã đưa ra kịch bản tốc độ tăng CPI năm 2024 sẽ ở mức 4,2 – 4,5% và ngay cả khi tăng ở mức này thì lạm phát 2024 vẫn trong xu hướng giảm khá bền vững và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.
Trong khi đó TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công Thương, nhìn nhận, lạm phát năm 2024 không dễ dự báo vì nó phụ thuộc không chỉ vào diễn biến CPI bình quân của năm 2024 mà còn cả của CPI bình quân năm 2023, đây là hai đại lượng đều biến thiên.
Bởi vậy nếu như 6 tháng cuối năm 2024 nếu kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ sẽ dẫn đến việc CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh và CPI bình quân cả năm sẽ tăng khoảng 4%. Còn nếu kinh tế thế giới khởi sắc trong 6 tháng cuối năm sẽ dẫn đến việc CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm và CPI bình quân cả năm vượt 4%.
Ông Lê Quốc Phương cũng đề xuất các giải pháp kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm. Theo đó cần kiểm soát chặt bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia để các chỉ số này không gây sức ép lên lạm phát. Có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quản lý (đặc biệt là điện, dịch vụ y tế, giáo dục) để tránh hiện tượng cộng hưởng giá.
Lưu ý việc không để tăng lương từ 1/7/2024 dẫn đến tăng giá bất hợp lý, theo TS Phương, các bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực của mình cần điều phối không để tăng giá cũng đáp ứng nhu cầu hàng hoá, đặc biệt là các hàng hoá thiết yếu tác động lớn đến CPI.
Liên quan đến những “hiệu ứng” có thể xảy ra sau khi tăng lương cơ bản ở thời điểm 1/7/2024, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng có khả năng rất cao cho việc hiện hữu tăng mặt bằng giá toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm 2024 và giai đoạn tiếp theo. Bởi vậy theo vị chuyên gia này, điều quan trọng cần làm ngay là có các giải pháp đồng bộ về tuyên truyền nhận thức kinh tế, tài chính, hành chính-pháp lý với các chủ thể có liên quan như Nhà nước, doanh nghiệp, dân cư và các đối tượng hữu quan khác.