Giá kim loại quay đầu suy yếu sau dữ liệu lạm phát sản xuất Mỹ
Bảng giá kim loại xanh rực nhờ cả yếu tố vĩ mô và cung – cầu Nhóm kim loại có thể suy yếu khi thị trường thận trọng chờ CPI Kim loại quý gặp áp lực bán mạnh sau dữ liệu lạm phát Mỹ |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3, ngoại trừ thiếc LME, tất cả các mặt hàng còn lại trong nhóm kim loại đều ghi nhận đà giảm giá sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó. Dữ liệu lạm phát sản xuất tại Mỹ trong tháng 2 tiếp tục cao hơn dự báo, đã làm suy giảm kỳ vọng lãi suất hạ nhiệt nhanh chóng trong thời gian tới.
Điều này góp phần thúc đẩy đồng USD và gây sức ép tới giá kim loại, đặc biệt là kim loại quý bạc và bạch kim. Chốt phiên, giá bạc giảm từ mức đỉnh 3 tháng, giảm 0,38% xuống 25,06 USD/ounce. Giá bạch kim giảm gần 1% xuống 935,7 USD/ounce.
Theo số liệu Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2 của Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn đến 0,3 điểm phần trăm so với dự báo và tăng tốc từ mức 0,3% ghi nhận trong tháng 1, được thúc đẩy chủ yếu bởi giá hàng hoá, đặc biệt là năng lượng. Chỉ số PPI lõi, loại bỏ biến động giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 2, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.
Kết hợp với báo cáo lạm phát giá tiêu dùng tăng vượt dự kiến được công bố trước đó, các nhà đầu tư dường như trở nên nghi ngờ về thời gian và mức độ cắt giảm lãi suất từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm nay.
Công cụ theo dõi FED watch của CME Group cho thấy ý kiến về việc giữ nguyên lãi suất 5,25 – 5,50% trong cuộc họp tháng 6 đã tăng từ 34,8% lên 40,5%. Đồng USD cũng được củng cố trong phiên hôm qua, với chỉ số Dollar Index tăng 0,56%, từ đó gây áp lực tới nhóm kim loại nói chung và kim loại quý nhạy cảm với lãi suất như bạc và bạch kim nói riêng do chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn. Sức cạnh tranh tương đối của kim loại quý so với đồng USD và lãi suất cũng bị hạn chế.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX cũng quay đầu giảm giá sau khi lên đỉnh 10 tháng qua, với mức giảm 0,36% xuống 4,04 USD/pound. Tác động chủ yếu đến từ áp lực vĩ mô, tương tự như nhóm kim loại quý. Trong khi đó, lo ngại về nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn còn là rào cản khá lớn, nhất là khi thiếu vắng các động lực kích thích từ phía Chính phủ nước này.
Đáng chú ý, giá quặng sắt tiếp tục rơi về vùng thấp nhất trong hơn 6 tháng qua, giảm 2,27% xuống còn 102,37 USD/tấn trong bối cảnh nhiều nhà máy thép tại Trung Quốc đóng cửa bảo trì do tiêu thụ kém sắc và tồn kho cao.
Theo công bố của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), tính đến ngày 10/3, tổng lượng tồn kho thép thành phẩm chính tại 21 thành phố lớn của Trung Quốc đạt tổng cộng 14,22 triệu tấn, tăng 4% so với ngày 29/2. Trong đó, tồn kho thép cuộn cán nóng (HRC), thép cuộn cán nguội (CRC), thép tấm thông thường, thép dây và thép cây tăng lần lượt 4,3%, 1,4%, 2,9%, 4,6% và 4,6% so với ngày 29/2.