Lạm phát năm 2024: Không còn “nóng” như 2023?
Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong 2 tháng cuối năm 2023 Giá gạo tăng khiến lạm phát vẫn dai dẳng ở châu Á |
Câu chuyện lạm phát, một mối lo đầu năm, rình rập cả năm 2023 được nhiều chuyên gia chia sẻ tại hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024” do Viện Kinh tế- Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 4/1/2024 tại Hà Nội.
Ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, người từng nhiều năm tham gia công tác quản lý giá ở Bộ Tài chính kể, cũng thời điểm này năm trước câu chuyện lạm phát, “di chứng” của tình hình thế giới và trong nước từ năm 2022, khiến các chuyên gia khá lo lắng cũng tại một hội thảo tương tự đầu năm. Trong khi đó, không mấy ai tin vào con số trong kịch bản về mức lạm phát của năm 2023 mà ông đưa ra tại hội thảo. Nhưng rồi thì công tác kiểm soát đã đi theo hướng khiến tình hình bớt căng thẳng hơn vào giữa năm và càng về cuối năm đã có thể “thở phào”.
“Giờ đây hoàn toàn có thể nói rằng việc kiểm soát thành công lạm phát có thể là một điểm sáng kinh tế trong năm 2023”, ông Long nói.
Quang cảnh hội thảo |
Phân tích sâu thêm câu chuyện kiểm soát lạm phát, PGS, TS Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận xét, trong năm 2023, so với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022.
Ông Minh cho rằng, trong nước, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm ổn định lại và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen.
Chia sẻ thêm với các ý kiến trên, chuyên gia Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, lạm phát cũng là câu chuyện dị thường của kinh tế thế giới năm 2023 khi giá hàng hoá giảm, trong khi nhiều nền kinh tế lãi suất bị đẩy lên cao để chống lạm phát song lạm phát của thế giới vẫn ở mức cao là 5,9%.
Lý giải về mâu thuẫn giữa hai con số lạm phát của Việt Nam và thế giới, ông Phương nêu mấy nguyên nhân giá hàng hoá thế giới năm 2023 giảm khiến giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam giảm. Tuy nhiên riêng giá lương thực thực phẩm thế giới lại ở mức cao song ở Việt Nam giá mặt hàng này không tăng do nguồn cung dồi dào. Kinh tế năm 2023 khó khăn do đó người dân thắt chặt chi tiêu nên giá cả cũng khó tăng. Cùng đó các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam như dự trữ ngoại hối cao, thương mại thặng dư liên tiếp, nợ công trên GDP thấp đã giúp Việt Nam giảm được áp lực lạm phát.
Cũng tại hội thảo này, nhiều kịch bản lạm phát của năm 2024 đã được các chuyên gia đưa ra. Điểm chung của các kịch bản này là áp lực lạm phát năm 2024 là không quá lớn, thậm chí theo ý kiến của ông Nguyễn Bá Minh, trong năm 2024, tốc độ tăng CPI thấp có điều kiện tăng cung tiền mà không sợ lạm phát tăng.
Liên quan đến các con số từ các kịch bản, PGS.TS Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,2% - 3,5%. Còn TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức khoảng 3,0% (+/- 0,5%). PGS, TS. Ngô Trí Long dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,5% - 3,6%. Cao hơn một chút, TS. Lê Quốc Phương dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,6% - 3,8%.
Làm nền cho các kịch bản này, các chuyên gia lưu ý một số yếu tố như lạm phát tại các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU đang có xu hướng giảm về mức 2% và cầu tiêu dùng dần phục hồi; giá dầu và một số hàng hóa lương thực không có nhiều rủi ro tăng mạnh; chính sách tài khóa lỏng kết hợp chính sách tiền tệ lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng vẫn duy trì nhưng không mạnh như cuối năm 2023; thị trường bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi; biện pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ được tăng cường.
Áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình... Các chuyên gia cũng lưu ý việc Nhà nước quản lý giá năng lượng như hiện nay tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, bất ổn. Cần có động thái sớm chuyển sang cơ chế thị trường.
Theo các chuyên gia, cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.
|