Lạm phát Mỹ hạ nhiệt, thị trường chứng khoán khởi sắc tích cực
Trong khi thị trường chứng khoán châu Âu đi lên sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt tăng điểm khép lại một tuần giao dịch sôi động.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 13/9, với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite hoàn tất tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan về khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm lãi suất vào tuần tới.
Cụ thể, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7% lên 41.393,78 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7% lên 17.683,98 điểm, còn chỉ số S&P 500 tăng 0,5% lên 5.626,02 điểm.
Chứng khoán Mỹ duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Bloomberg |
Theo CNBC, chốt phiên ngày giao dịch cuối trong tuần, chỉ số S&P 500 cộng 0,54% lên 5.626,02 điểm và hiện chỉ thấp hơn 1% so với mức cao nhất mọi thời đại thiết lập vào tháng 7.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,4% lên 8.273,09 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,4% lên 7.465,25 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 1% lên 18.699,40 điểm.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc nhờ kỳ vọng vào đợt nới lỏng chính sách đầu tiên của Fed.
Diễn biến này mang lại động lực cho thị trường chứng khoán toàn cầu sau những phiên giảm điểm gần đây do lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ.
Bà Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu của LPL Financial, cho rằng nhà đầu tư cũng đẩy mạnh mua gom các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và cổ phiếu chip - những lĩnh vực đã đóng góp nhiều vào sự phục hồi của toàn thị trường trong tuần này sau khi bị bán tháo mạnh hồi đầu tháng này.
“Giới đầu tư đang cảnh giác với những đợt biến động tiếp theo, đặc biệt khi xét đến những kỳ vọng xung quanh cuộc họp chính sách của Fed”, chuyên gia nhận định.
Tương tự, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Edward Jones, bà Mona Mahajan nhận định nhìn chung, các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng chờ đợi và xem xét trước quyết định của Fed vào tuần tới.
Chuyên gia lưu ý rằng thị trường đã gặp nhiều biến động trong bối cảnh tháng 9 là thời điểm khó khăn đối với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, bà Mahajan vẫn kỳ vọng rằng nền kinh tế “sẽ hạ nhiệt nhưng không sụp đổ” cho dù sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán có thể tiếp diễn.
“Nếu Fed giảm lãi suất, lạm phát dần hạ nhiệt và nền kinh tế có thể hạ cánh mềm thì theo lịch sử, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch khởi sắc. Đối với chúng tôi, đây là kịch bản khả thi nhất” - bà Mahajan cho biết.
Các nhà đầu tư ở Phố Wall đang mong chờ cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào tuần sau, với kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ bằng quyết định hạ lãi suất ở mức 0,25%. Lãi suất quỹ liên bang của Fed hiện đang ở mức 5,25-5,5%, cao nhất 25 năm.
Trước đó, các thị trường châu Âu đã đóng cửa trong sắc xanh, một ngày sau khi ECB giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay khi lạm phát giảm nhiệt.
Các nhà đầu tư đang hướng sự tập trung vào cuộc họp quan trọng của Fed diễn ra trong tuần tới. Sau khi cắt giảm lãi suất trong những tháng đầu của đại dịch, Fed đã bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022 khi lạm phát bắt đầu tăng và tiếp tục tăng cho đến khi lãi suất đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ.
Trong bối cảnh lạm phát dường như đang hạ nhiệt và thị trường lao động có dấu hiệu yếu đi, các nhà hoạch định chính sách được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Thị trường đang tranh luận về việc liệu Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản.
Chia sẻ với CNBC, chuyên gia đầu tư Jdohn Paulson cho rằng Fed nên bắt đầu hạ lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tuần tới.
"Tôi nghĩ quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed là quá muộn. Tôi tin rằng lãnh đạo Fed đã đủ tự tin để có thể bắt đầu hạ lãi suất, và tôi cho rằng họ cần hành động quyết liệt hơn, đó là giảm lãi suất ở mức 0,5%” - ông Paulson nói.
Theo đó, sau khi trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất trong hơn một năm, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi trong phiên giao dịch đầu tuần 9/9. Phần lớn các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch 10/9, đà tăng trên thị trường chứng khoán vẫn tiếp diễn trong phiên 11/9 và 12/9, khi số liệu lạm phát làm tăng khả năng Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần tới.
Công cụ theo dõi dự báo lãi suất CME FedWatch, thị trường hoàn toàn kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vào tuần tới, với xác suất 57% lãi suất sẽ giảm 0,25% và xác suất 43% lãi suất sẽ giảm 0,50%. Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020.