Kon Tum: Phát triển sản phẩm OCOP từ nghề truyền thống của đồng bào
Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ
Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 08- NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết xác định từ nay đến năm 2025 phát huy giá trị văn hóa đối với 9 nghề truyền thống. Đó là: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh thương mại hóa đối với 4 nghề: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS tại chỗ.
Đẩy mạnh thương mại hóa đối với nghề dệt thổ cẩm |
Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, ký gửi sản phẩm nghề truyền thống, gắn với các điểm tham quan du lịch tại thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông và một số nơi có điều kiện; phát triển một số sản phẩm nghề truyền thống đạt các tiêu chuẩn OCOP và từng bước có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng từ 01 đến 02 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống, gắn với hình ảnh văn hóa - du lịch đặc trưng của tỉnh.
Hằng năm tổ chức 15-20 lớp dạy nghề cộng đồng tại thôn (làng) với khoảng 200 người học, đảm bảo 07 DTTS tại chỗ đều có lực lượng thành thạo tay nghề và duy trì sản xuất nghề truyền thống, nhất là thanh niên, lao động trẻ trên địa bàn.
Nghị quyết cũng xác định đến năm 2030: Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp từ truyền dạy, phát triển nguồn nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu ít nhất 05% số người tham gia làm nghề truyền thống có thu nhập ổn định, đảm bảo được đời sống vật chất và tinh thần. Xây dựng hạ tầng, không gian hoạt động nghề truyền thống, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống trong tình hình mới. Xây dựng và phát triển mạnh từ 02 đến 03 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống của tỉnh.
Nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP vùng dân tộc
Trước hết, trong số 4 nghề được chú trọng đẩy mạnh thương mại hóa, các sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc, làm rượu cần đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu. Nhằm khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trong 4 năm qua, tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ 350 bộ khung dệt cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình dệt thổ cẩm. Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã tổ chức khảo sát, thu thập các mẫu khung dệt tại các địa phương của 7 dân tộc thiểu số tại chỗ để đóng mới đúng theo mẫu truyền thống của từng dân tộc. Đồng thời, mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại cộng đồng, trong đó, chú trọng tới 2 dân tộc rất ít người của tỉnh là Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và dân tộc Brâu ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi để các thế hệ kế cận có cơ hội nối tiếp, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của ông cha để lại. Ngoài ra, để giới thiệu sản phẩm đặc sắc của đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng điểm trưng bày sản phẩm 9 nghề truyền thống của 7 dân tộc tại chỗ.
Đối với sản phẩm rượu, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay đã có nhiều thương hiệu rượu của các địa phương được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Có thể kể đến các sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đã được công nhận như: Rượu ghè nếp than Nay Buih của hộ gia đình ở thôn Kon Krơk, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà; rượu cần Y Thơi, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy; rượu ghè men lá của HTX Dục Nông ở thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi; rượu cần men lá của Tổ hợp tác rượu cần men lá dân tộc Brâu ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi…
Người dân làng Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà bảo tồn nghề đan lát truyền thống |
Dù mang lại nhiều giá trị về vật chất lẫn tinh thần, song nghề đan lát của đồng bào DTTS tại Kon Tum đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Để giữ gìn nghề đan lát, huyện Đăk Hà thường xuyên phân công cán bộ đến tận làng để tuyên truyền và khuyến khích người dân tham gia bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, vận động những người lớn tuổi tại làng Kon Trang Long Loi tổ chức dạy đan lát miễn phí để động viên thế hệ trẻ theo học. Đầu năm 2021, huyện Đăk Hà đã thành lập Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi. Qua đó tạo bước đệm cho việc quảng bá du lịch nơi đây nói chung và những sản phẩm đan lát của bà con nói riêng. Du khách đến đây sẽ được tham quan, mua sắm và trải nghiệm những sản phẩm đan lát thủ công, mang đậm dấu ấn của cộng đồng dân tộc tại địa phương. Việc này giúp người dân có thêm thu nhập; đồng thời tạo động lực thế hệ trẻ theo đuổi ngành nghề truyền thống, góp phần lưu giữ nghề đan lát truyền thống của dân tộc Rơ Ngao.
Với quyết tâm của chính quyền và sự nỗ lực của các địa phương, hy vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm từ nghề thủ công lâu đời, nghề truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum được công nhận là sản phẩm OCOP trong thời gian tới.