Tràn lan dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong tư vấn, review ô tô
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội, các trang thông tin điện tử đang tràn lan các bài viết thông tin phân tích, đánh giá về các sản phẩm có giá trị cao, nhiều trường hợp nhằm PR, quảng cáo ô tô cho các hãng thương hiệu lớn.
Đáng chú ý, nhiều bài viết trong đó so sánh trực tiếp về hình thức, giá cả, chất lượng,… các sản phẩm cùng hạng, cùng thời điểm ra mắt của các hãng xe với nhau như các thương hiệu ô tô lớn VinFast, Mitsubishi, Hyundai, Toyota… Điều này có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng, bóp méo thị trường và có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.
Đơn cử một số bài viết so sánh thiết kế giữa Mitsubishi Xforce và Hyundai Creta đã so sánh trực tiếp 2 sản phẩm cùng phân khúc là Mitsubishi Xforce và Hyundai Creta.
Những nhận định trên dùng các cụm từ “nhỉnh hơn”, “tốt hơn” để so sánh, đánh giá trực tiếp hai sản phẩm, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính cạnh tranh của các sản phẩm khác. Thông tin đánh giá như trên có thể gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng.
Tương tự, có bài viết về việc bán xe điện nhưng không có trạm sạc như VinFast rồi phê phán các hãng xe khác rồi khuyến nghị người dùng không nên đặt niềm tin vào các hãng xe đó.
Có bài viết lại so sánh, Việt Nam ngoài ô tô điện của VinFast đến thời điểm hiện tại, Hyundai IONIQ 5, Wuling Hongguang MINI EV, BMW iX3, X4… cũng là các sản phẩm mới gia nhập thị trường này để cạnh tranh. Trạm sạc chính là vấn đề cốt lõi của xe điện.
Tuy nhiên, không rõ vô tình hay hữu ý bài viết này cho biết tại Việt Nam hiện nay chỉ duy nhất VinFast đang sở hữu trạm sạc công cộng, còn các hãng khác thì không. Những thông tin đưa ra như vậy có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý khách hàng, xu hướng chọn sản phẩm của khách hàng và gián tiếp ảnh hưởng đến các sản phẩm đối thủ, và ảnh hưởng đến thị trường ô tô điện tại Việt Nam.
Trên một trang khác, người ta còn cố tình sử dụng "ý kiến bạn đọc" để "dìm hàng" vô cớ một hãng xe ô tô điện rất nổi tiếng ở Trung Quốc vừa được bán ở Việt Nam, thậm chí có tiện ích tốt hơn cả nhiều hãng xe khác vì có thể sạc điện ở bất cứ đâu, không cần trạm sạc. Vậy mà có trang tin viết về một độc giả muốn mua xe điện minicar cho vợ, đặt câu hỏi nên tậu ngay Wuling HongGuang Mini EV hay chờ VinFast VF3?
Bài viết so sánh: Chưa rõ hãng xe Việt bán mẫu xe này với giá bao nhiêu, nhưng dù sao xe của VinFast đã được nhiều người Việt sử dụng, hệ thống trạm sạc rất thuận tiện.
Tương tự một bài so sánh Toyota Hilux 4X2 AT có gì để đấu với Ford Ranger XLS 4×2 AT, phản ánh trực tiếp các sản phẩm đang cạnh tranh với nhau của các thương hiệu ô tô.
Bài viết phân tích chi tiết kỹ thuật và các tính năng của 2 mẫu xe Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT và Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT về cả điểm cộng và điểm trừ, giá cả các sản phẩm. Qua đó, tác động lớn tới tâm lý khách hàng trong quá trình chọn mua sản phẩm.
Ngoài ra, hàng loạt các bài viết khác đang rất phổ biến trên các mạng xã hội và các trang thông tin điện tử hay hiện nay đã làm “khổ sở" nhiều sản phẩm muốn vào thị trường Việt Nam để kinh doanh.
Thực tế, để đạt được lợi thế, nhiều chủ thể tiến hành hành vi cạnh tranh không chỉ dựa vào năng lực cạnh tranh, ngoài ra còn dựa vào cả những thủ pháp để vượt qua các đối thủ, gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Tràn lan dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong tư vấn, review ô tô - Ảnh minh họa |
Xử lý thế nào?
Tuy chưa rõ việc review nêu trên có liên quan đến các doanh nghiệp trả tiền quảng cáo không nhưng hiện tượng trên đáng lo ngại ở khía cạnh quản lý cạnh tranh.
Tuy nhiên, cũng từ đây không loại trừ xuất hiện hành vi lợi dụng quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Hiện, quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh là một trong những hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể:
Theo khoản 10, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định hành vi “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo.
Về mức xử phạt, theo khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định hành vi “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác” là một trong những hành vi sẽ bị xử phạt hành chính trong phạm vi từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
Ngoài ra, theo Điều 20 Nghị định 75/2019/NĐ-CP mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng – 200 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh lôi kéo khách hàng.
Theo các chuyên gia, Luật Cạnh tranh ở Việt Nam đã được ban hành, nhưng trong nhiều năm qua, việc giải quyết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn hạn chế. Tác động của Luật Cạnh tranh đối với việc xây dựng môi trường kinh doanh cũng chưa nhiều. Vì vậy, việc tập trung mạnh mẽ vào việc xử lý các vi phạm cạnh tranh không lành mạnh là cần thiết để bảo vệ sự công bằng và thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh.