Khôi phục lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính: Khối lượng phát hành trái phiếu có xu hướng giảm dần Tăng cường trách nhiệm trong việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp |
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trụ cột cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang phụ thuộc lớn vào vốn tín dụng ngân hàng, có thể gây ra những rủi ro hệ thống nếu như các kênh dẫn vốn khác không phát triển đồng đều.
Thị trường trái phiếu thời gian qua đã bộc lộ nhiều rủi ro, có thể mất an toàn cho thị trường. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân một số giải pháp để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu nhằm góp phần giải “cơn khát vốn” cho doanh nghiệp năm 2023.
- Trước những e ngại về những rủi ro của thị trường trái phiếu, quan điểm của ông về việc phát triển và khôi phục thị trường trái phiếu ở Việt Nam như thế nào trong thời gian tới?
- Thị trường trái phiếu trong năm 2022 có nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu từ niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Đối với thị trường trong nước, việc lãi suất ngân hàng tăng nên có xu hướng tiền dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và thanh khoản của nền kinh tế khó khăn. Riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư do các sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý và việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính |
Dẫu vậy, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu đã phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Ví dụ, Thái Lan có dư nợ TPDN/GDP là 25%, Singapore 37%, Malaysia là 17%. Đó là xu thế chung xuất phát từ nhu cầu tạo lập nguồn vốn dành cho phát triển kinh tế xã hội mà chắc chắn thời gian tới chúng ta cần tập trung phát triển. Chúng ta đang rất cần phát triển một thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định, bền vững, không chỉ giúp cho vấn đề huy động vốn, tạo lập kênh đầu tư, mà còn đóng góp cho sự phát triển bền vững trong cả hệ thống tài chính của nền kinh tế.
- Thực tế, niềm tin của nhà đầu tư dành cho trái phiếu doanh nghiệp đang xuống thấp phải không, thưa ông?
- Đây là không vui để nói trong ngày đầu năm nhưng là “khoảng lặng" cần thiết để chấn chỉnh và đón nhận sự trở lại bền vững của thị trường trái phiếu. Thị trường sẽ hướng tới giảm về lượng nhưng tăng về chất trong năm tới.
Dòng vốn sẽ được hướng tới những doanh nghiệp tốt có tài sản đảm bảo chất lượng, có dòng tiền ổn định, kế hoạch sử dụng vốn minh bạch và hiệu quả. Qua đó, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn, bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư khi vốn của họ được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Về phía cung, nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục tăng trưởng do nền kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2022-2025 với tốc độ tăng trưởng GDP 6,5-7%/năm.Về phía cầu, khi thị trường ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp bởi những thay đổi chính sách, sẽ hút dòng tiền trong dài hạn nhờ nâng cao chất lượng và uy tín, trở thành một kênh đầu tư trung - dài hạn cách bền vững hơn.
Dẫu vậy, thị trường tài chính nói chung có tính liên thông cao, việc đóng băng của giao dịch tại doanh nghiệp này sẽ lan sang doanh nghiệp khác, tại một phân khúc này sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới các phân khúc khác, thậm chí là các thị trường khác. Nếu phần lớn nhà đầu tư thiếu thông tin để phân biệt được chất lượng trái phiếu, sẽ ảnh hưởng tiêu cực dây chuyền lan rộng với tốc độ nhanh hơn. Vấn đề của giai đoạn hiện nay là giải quyết bài toán “niềm tin” dành cho thị trường.
- Vậy theo ông giải pháp nào để xây dựng lộ trình củng cố niềm tin cho thị trường nhằm phát triển bền vững và cũng để đến năm 2025, Việt Nam đạt mục tiêu phát triển quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP?
- Theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trước mắt, do tình hình thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều khó khăn, thanh khoản sụt giảm, niềm tin của thị trường suy giảm, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ, ngành đánh giá cụ thể tình hình, để xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay.
Vấn đề tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư cũng quan trọng không kém. Cần tập trung truyền thông với thông điệp rõ về định hướng phát triển của Nhà nước đối với thị trường TPDN; đồng thời ngăn chặn việc đưa tin không chính thống, chưa kiểm soát; kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin giả mạo, thất thiệt,... gây ảnh hưởng đến thị trường.
Cần rà soát, đánh giá hoạt động của các công ty chứng khoán, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và CTCK cung cấp dịch vụ; phối hợp với NHNN trong quản lý, giám sát việc các TCTD phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về TPDN, phân phối trái phiếu; đặc biệt là việc chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua TPDN riêng lẻ thông qua mua trực tiếp hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty chứng khoán.
Hiện đang có một nỗi sợ vô hình rất lớn dù thị trường vẫn có trái phiếu tốt. Do đó, cần phải có những nhóm nghiên cứu và đặt lại tất cả những trái phiếu đang có trên thị trường xem trái phiếu nào rủi ro, trái phiếu nào không có rủi ro, sau đó đưa ra những trái phiếu cần lưu ý để định hình rủi ro.
Măt khác, nhà đầu tư có thể kết hợp thông tin tự thu thập với thông tin từ các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, để lựa chọn danh mục phù hợp với khẩu vị đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm đến những cổ phiếu công khai minh bạch thông tin. Hoặc, có thể chuyển sang đầu tư vào các quỹ mở trái phiếu để được đảm bảo rủi ro. Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hết sức phức tạp nên việc đầu tư thông qua các quỹ, các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp cần được cổ vũ. Tôi tin rằng, cùng với sự hoàn thiện các quy định liên quan, thị trường TPDN sẽ phát triển tốt trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!