Khắc họa Công ty Đầu tư Y tế Việt Mỹ và nỗi lo đội giá thiết bị y tế
Ba năm tăng vốn gấp 17,5 lần
Công ty Cổ phần Đầu tư Y tế Việt Mỹ (viết tắt là Công ty Việt Mỹ) đang được coi là "ông lớn" trong ngành thiết bị y tế tại Việt Nam, thành lập từ năm 2007, trụ sở chính đặt ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Từ Thủ đô, những năm trở lại đây, Công ty Việt Mỹ vươn tầm phủ sóng tới hàng chục tỉnh, thành phố lớn trên cả nước thông qua hoạt động đấu thầu. Doanh nghiệp này đã thể hiện sự năng nổ, liên tục trúng nhiều gói thầu mua sắm, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị y tế mang giá trị "khủng" từ các đơn vị y tế địa phương.
Công ty Cổ phần Đầu tư Y tế Việt Mỹ đang được coi là "ông lớn" trong ngành thiết bị y tế tại Việt Nam, thành lập từ năm 2007, trụ sở chính đặt ở quận Thanh Xuân, Hà Nội |
Theo thống kê từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ năm 2018 đến nay, Công ty Việt Mỹ nộp hồ sơ tham gia 143 gói thầu, trong đó doanh nghiệp chỉ không may xảy chân tại 5 gói thầu, qua đó ghi nhận tổng giá trị thắng thầu gần 2.100 tỷ đồng (chủ yếu trong vai trò độc lập), bình quân mỗi năm thắng khoảng 400 tỷ đồng.
Thị trường chính của Công ty Việt Mỹ nằm ở hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi tập trung người dân sinh sống đông đảo nhất cả nước, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, cơ sở y tế và dịch vụ khám, chữa bệnh. Vì vậy, nhu cầu mua sắm, trang bị bổ sung thiết bị y tế ngày càng tăng lên nhằm phục vụ lưu lượng thăm khám của nhân dân.
Theo tìm hiểu, một trong những bước ngoặt quan trọng của Công ty Việt Mỹ trong quá trình phát triển là sự thay đổi vị trí Tổng giám đốc từ ông Tống Thanh Hưng (SN 1975) sang ông Hà Văn Nam (SN 1985), vào tháng 10/2016.
Vậy nhưng, người thủ lĩnh đứng sau, âm thầm và kín tiếng của Công ty Việt Mỹ khi đó vẫn là Bùi Chân Phương (SN 1973), nhân vật giữ đến 90% cổ phần doanh nghiệp. Ngược lại, hai cổ đông sáng lập khác là Phạm Văn Công (SN 1981) và Dương Hưng Thịnh (SN 1973) đều đồng loạt thoái toàn bộ vốn.
Được biết, ông Hà Văn Nam là người có thâm niên trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thiết bị y tế. Từng có thời gian ngắn, ông này được tín nhiệm làm lãnh đạo văn phòng đại diện của một công ty đến từ Hồng Kông cũng chuyên về cung cấp trang thiết bị vật tư y tế.
Công ty Việt Mỹ làm ăn khấm khá nhất khi đại dịch Covid-19 hoành hành |
Dưới thời ông Hà Văn Nam, Công ty Việt Mỹ "bén duyên" với hoạt động đấu thầu. Nhờ những cuộc thắng lớn, doanh nghiệp dư dả hơn và liên tục tăng vốn sốc để mở rộng quy mô kinh doanh, trở thành tay chơi thực thụ trong lĩnh vực này. Từ số vốn 20 tỷ đồng (năm 2016), nhà thầu đã nâng lên 50 tỷ đồng rồi 100 tỷ đồng (năm 2018).
Hơn thế, chỉ trong vòng 2 tháng ngắn ngủi (tháng 11/2019 - tháng 1/2020), như cảm nhận được "ngọn gió đông" gần tới, giới chủ Công ty Việt Mỹ không ngại rót thêm hàng trăm tỷ đồng để đưa quy mô vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng và cuối cùng là 350 tỷ đồng, gấp đến 17,5 lần so với thời điểm 3 năm trước đó.
Sự đầu tư mạnh tay của họ không phải không có lý do, ngay năm đó, bất luận đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp thì 2020 vẫn là năm Công ty Việt Mỹ "bội thu" lập kỷ lục về doanh số.
Tài liệu mà Báo Công Thương thu thập được cho thấy, năm 2020, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Việt Mỹ đạt 944 tỷ đồng, tăng mạnh nhiều lần so với con số 181,8 tỷ đồng của năm trước đấy. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Song, bước sang năm 2021 - 2022, hoạt động kinh doanh của Công ty Việt Mỹ trở nên trầm lắng, cùng với đó doanh thu giảm về lần lượt còn 282 tỷ đồng và 196,7 tỷ đồng, kém khá xa thời kỳ "hoàng kim" đã đạt được.
2020 cũng là năm duy nhất lợi nhuận sau thuế của "ông lớn" thiết bị y tế đạt mốc trên 10 tỷ đồng. Theo đà trượt giảm của doanh thu, lãi ròng năm 2021 rớt xuống còn 2,8 tỷ đồng; cá biệt năm 2022 chỉ đạt vẻn vẹn 252 triệu đồng.
Vietcombank và BIDV là hai chủ nợ lớn nhất của Công ty Việt Mỹ. |
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tính đến hết năm 2022 ở mức 267 tỷ đồng, trong đó, nhà thầu vay mượn ngắn hạn từ các tổ chức tín dụng 123,6 tỷ đồng, còn lại đến từ các khoản nợ thương mại phát sinh trong kinh doanh khác. Vốn chủ sở hữu khi ấy đạt 360 tỷ đồng, với 350 tỷ đồng được góp từ cổ đông và 10 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối.
Chủ nợ lớn của Công ty Việt Mỹ là một số ngân hàng với tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển (thiết bị y tế các loại trong quá trình sản xuất, kinh doanh) và quyền đòi nợ, khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng kinh tế với các đối tác (như Công ty Cổ phần Đầu tư bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng...).
Nhà phân phối máy xạ trị gia tốc Synergy
Quan sát danh mục trúng thầu của Công ty Việt Mỹ, có thể thấy các hợp đồng "nặng tay" nhất đến từ việc cung ứng hệ thống máy xạ trị gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng Synergy Platform, một sản phẩm công nghệ tiên tiến của tập đoàn Elekta trong việc điều trị ung thư bằng xạ trị, có xuất xứ Anh Quốc.
Thông thường, theo giới thiệu hệ thống máy xạ trị gia tốc tuyến tính của hãng Elekta được sử dụng điều trị cho các bệnh ung thư, bao gồm ung thư vú, ung thư phổi, ung thư não, ung thư da và nhiều loại ung thư khác. Hệ thống này được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và các cơ sở y tế trên thế giới.
Trên thị trường Việt Nam, Công ty Việt Mỹ là đầu mối hiếm hoi có khả năng nhập khẩu hệ thống máy móc này, tạo nên sức cạnh tranh lớn cho "ông trùm" thiết bị y tế địa chỉ ở Hà Nội.
Hệ thống máy xạ trị gia tốc tuyến tính của hãng Elekta được sử dụng điều trị cho các bệnh ung thư, được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và các cơ sở y tế trên thế giới. |
Điển hình, tháng 12/2023, Công ty Việt Mỹ trúng gói thầu 03.2/MSTB - Mua sắm, lắp đặt thiết bị y tế hơn 99 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, trong đó sản phẩm hệ thống máy xạ trị gia tốc tuyến tính Synergy có giá trúng là 82,2 tỷ đồng, còn lại là hệ thống CT mô phỏng và các thiết bị phụ trợ (hãng GE Hangwei Medical Systems Co., Ltd xuất xứ Trung Quốc) tròn 17 tỷ đồng.
Tại thương vụ này, Công ty Việt Mỹ là nhà thầu duy nhất tham dự, cùng với đó tỷ lệ giảm giá cũng thấp ở mức chưa đầy 1%, có lợi cho doanh nghiệp và không tối ưu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu tâm là ngay trước đó 3 tháng, Công ty Việt Mỹ là nhà thầu cung ứng hệ thống máy xạ trị gia tốc tuyến tính Synergy - cùng thương hiệu và mẫu mã cho Bệnh viện Trung ương Huế nhưng chỉ với 67,5 tỷ đồng (giá gói thầu 67,99 tỷ đồng), thấp hơn 14,7 tỷ đồng so với giá mua của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 03.2/MSTB - Mua sắm, lắp đặt thiết bị y tế hơn 99 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh do Giám đốc Hoàng Quang Trung ký ban hành. |
Đây có thể xem là chi tiết khá bất thường, bởi trong vòng thời gian ngắn, sản phẩm có cùng mẫu mã, tính năng nhưng lại được mua bán với giá trị chênh lệch gần 15 tỷ đồng. Sẽ không có gì đáng nói, nếu đây là hoạt động kinh tế giữa các đơn vị tư nhân, tự chủ về nguồn tài chính. Song, việc sử dụng nguồn vốn ngân sách để chi trả đang gây ra những băn khoăn, lo ngại về tính minh bạch trong việc lựa chọn nhà thầu.
Tìm hiểu về chi tiết này, tài liệu mà Báo Công Thương có được cho biết, giá trị nhập khẩu của sản phẩm xạ trị trên đang thấp hơn đáng kể so với giá chào bán từ Công ty Việt Mỹ trong cùng khung thời gian. Dù giá nhập khẩu chưa tính các thành phần cấu thành trên hợp đồng như chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, chi phí bảo hành, song với độ vênh khoảng vài chục tỷ đồng thì đó vẫn là con số quá lớn có thể gây nhiều tranh cãi.
Những lo ngại đó tiếp tục được khẳng định, khi tháng 8/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cũng mua loại máy xạ trị gia tốc tuyến tính Synergy từ Công ty Việt Mỹ với giá 77,7 tỷ đồng, một lần nữa "nhỉnh" hơn 10 tỷ đồng so với trường hợp của Bệnh viện Trung ương Huế... Dư luận có quyền đặt câu hỏi, liệu có hay không sự đội giá trang thiết bị y tế ở các cơ quan y tế liên quan đến Công ty Việt Mỹ và mong chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề.
Sẽ là thiếu sót, nếu không nhắc đến Bệnh viện K (Hà Nội) - một đối tác thân thiết khác của Công ty Đầu tư Y tế Việt Mỹ. Tiêu biểu cho mối quan hệ giữa hai đơn vị là gói thầu mua sắm hệ thống Robot phẫu thuật nội soi và thiết bị phụ trợ Da Vinci Xi Surgical System Model Is 4000 hồi tháng 5/2019, có giá lên tới 88 tỷ đồng. Báo chí khi đó "phanh phui" sự thật khi đối chiếu với giá khai báo nhập khẩu hệ thống robot này, chỉ trong khoảng 50 - 67 tỷ đồng, tương ứng độ chênh lệch từ 20 - 37 tỷ đồng so với giá trúng thầu của Công ty Đầu tư Y tế Việt Mỹ. Bên cạnh đó, để thắng gói thầu lớn này, Công ty Đầu tư Y tế Việt Mỹ đã đánh bật đối thủ đáng chú ý là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiết bị y tế Đại Phát (Hà Nội). Đặc biệt, đây vốn là "cái nôi" trưởng thành của ông Hà Văn Nam - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Y tế Việt Mỹ, người được giới chủ tin tưởng, tín nhiệm giao ghế điều hành từ tháng 10/2016 đến nay. Phải chăng, đã có sự "bắt tay", dàn xếp "quân đỏ quân xanh" giữa hai công ty liên quan mật thiết đến ông Hà Văn Nam? |