Infographic | Xuất khẩu ớt sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tăng 640%
Ớt tươi được xuất trở lại sang Trung Quốc Lạng Sơn: Tăng cường liên kết trong tiêu thụ và xuất khẩu ớt |
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 7/2024, cả nước xuất khẩu được 697 tấn ớt, kim ngạch đạt 1,6 triệu USD. So với tháng trước, lượng xuất khẩu giảm 14,5%.
Tuy vậy, tính chung 7 tháng qua, tổng lượng ớt xuất khẩu của cả nước đạt 8.023 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay, đạt 6.834 tấn, chiếm 85,2% tổng sản lượng xuất khẩu. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xuất khẩu 7 tháng qua sang Trung Quốc giảm 1,9%.
Xếp vị trí thứ hai là thị trường Lào với 810 tấn, chiếm 10%; tăng 44,6% so cùng kỳ. Thị trường Hoa Kỳ xếp vị trí thứ ba, đạt 134 tấn, tăng 157,7% so cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong 7 tháng qua, xuất khẩu ớt ghi nhận mức tăng trưởng mạnh tại một số thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc) tăng mạnh nhất, với 640% (từ mức 5 tấn của cùng kỳ năm 2023 lên 37 tấn); Senegal tăng 300%, với sản lượng đạt 8 tấn…
Trung Quốc cho phép Việt Nam được xuất khẩu ớt chính ngạch sang thị trường nước này từ tháng 3/2022, giúp gia tăng sản lượng xuất khẩu. Năm 2023, xuất khẩu ớt của cả nước đạt 20 triệu USD, tương đương 10.173 tấn, tăng 107% so với năm trước.
Ớt được trồng nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh. Với tổng diện tích trên 7.000 ha, ớt cho sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Ngoài ra, ớt còn được trồng tại Tây Nguyên với diện tích trồng từ 4.000 - 5.000 ha, với sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm. |