Indonesia cấm giao dịch thương mại điện tử trên Tiktok
Cụ thể, lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên Tiktok có hiệu lực kể từ ngày 27/9, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết. Lệnh cấm này nhằm bảo vệ các thương nhân và thị trường truyền thống, vì lo sợ những người bán hàng thương mại điện tử bán phá giá. Kéo theo đó là sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh và dữ liệu của người dùng có thể bị đánh cắp.
Động thái này diễn ra chỉ hơn ba tháng sau khi TikTok cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á, chủ yếu ở Indonesia trong vài năm tới nhằm xây dựng nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.
Sau đó không lâu, Indonesia đã đặt ra thời hạn một tuần để TikTok trở thành một ứng dụng độc lập, không có bất kỳ tính năng thương mại điện tử nào. Nếu không tuân thủ, TikTok có nguy cơ bị đóng cửa trong nước.
Indonesia ban hành lệnh cấm giao dịch thương mại với Tiktok. Ảnh AP News |
Jonathan Woo, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Phillip Securities Research, cho biết: “Việc TikTok trở thành một ứng dụng độc lập có thể tác động tiêu cực đến trải nghiệm người dùng”.
Bên cạnh đó, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu viễn thông, truyền thông và công nghệ tại ngân hàng DBS cho biết: “Ngay cả khi TikTok có thể có được giấy phép hoạt động riêng thì hoạt động như một ứng dụng độc lập vẫn là một thách thức vì hầu hết các giao dịch mua hàng trên TikTok đều là mua sắm ngẫu hứng. Nhu cầu đăng nhập vào một ứng dụng riêng biệt có thể dẫn đến tỉ lệ thoát ra cao”.
Trong tương lai, Indonesia yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử trong nước phải áp dụng mức giá tối thiểu là 100 USD cho một số mặt hàng được mua trực tiếp từ nước ngoài. Tất cả các sản phẩm được cung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn địa phương.
Theo báo cáo tháng 6 của công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore, TikTok Shop chiếm 5% tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ở Indonesia, xếp sau Shopee (36%), Tokopedia (35%), Lazada (10%) và Bukalapak (10%) .
Indonesia là thị trường lớn nhất tại Đông Nam Á của TikTok và là thị trường lớn thứ hai toàn cầu với 125 triệu người dùng, chỉ sau Mỹ.