Hòa Bình: Lần đầu tiên xuất khẩu bưởi đỏ sang Vương quốc Anh
Bưởi đỏ là cây kinh tế mũi nhọn của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Thời gian qua, huyện Tân Lạc đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá vùng trồng để đề nghị cấp mã số xuất khẩu sang thị trường EU cho 6 vùng trồng bưởi với tổng diện tích 153ha; hỗ trợ liên kết ký Thỏa thuận hợp tác về phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ Hòa Bình trên địa bàn huyện giữa Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA với các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây bưởi trên địa bàn.
Bưởi đỏ Tân Lạc đã được công nhận nhãn hiệu tập thể |
Những năm gần đây, diện tích bưởi đỏ trên địa bàn huyện Tân Lạc tăng nhanh. Đến nay, toàn huyện Tân Lạc có khoảng 800 ha bưởi đỏ, tập trung chủ yếu ở các xã như: Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức, Phong Phú. Thu nhập bình quân từ cây bưởi đỏ đạt gần 1tỷ đồng/ha.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc”. Đây là cơ sở để các hộ trồng bưởi ở Tân Lạc nhận thức rõ trách nhiệm và tiến tới trồng bưởi theo quy trình VietGap. Bà con nhận thức rõ việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để giảm thiểu sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, bảo đảm đúng quy chuẩn quy định về kiểm dịch thực vật, đáp ứng sẵn sàng tất cả các yêu cầu kỹ thuật để bưởi đỏ Tân Lạc xuất khẩu.
Đóng gói bưởi xuất khẩu |
Để đặc sản bưởi đỏ phát triển bền vững, huyện Tân Lạc đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi huyện Xuân Mai và một số hộ xây dựng vườn ươm giống bưởi và mua bán, trao đổi theo hình thức giống nông hộ, áp dụng kỹ thuật nhân giống vô tính. Đồng thời, triển khai tập huấn, hướng dẫn bà con chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP... Đây là tiền đề để huyện Tân Lạc tiếp tục xây dựng và phát triển một số mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương, nhất là cây có múi. Hiện nay, cây bưởi đỏ Tân Lạc đã và đang góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao giá trị và giảm nghèo bền vững.
Để sản phẩm bưởi đỏ là một trong những loại cây trồng chủ lực, là sản phẩm OCOP tiêu biểu, huyện Tân Lạc chủ trương không mở rộng thêm diện tích, mà tận dụng những diện tích bưởi hiện có để đầu tư, thâm canh áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật trồng tiên tiến, thay thế diện tích bưởi thoái hóa, chất lượng kém. Ưu tiên phát triển các mô hình vườn mẫu; chú trọng công tác bảo quản, sơ chế sản phẩm; bảo vệ nhãn hiệu tập thể hàng hóa…
Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư thâm canh cho vùng sản xuất bưởi, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 500 ha diện tích trồng bưởi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm kết hợp với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Lạc có 2 sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là mía và bưởi đỏ. Đây là tiền đề để Hòa Bình đưa xuất khẩu trở thành một trong những kênh tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản chủ lực. |