Hiệp định UKVFTA mang lại kết quả tích cực cho thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh
Doanh nghiệp cần chủ động tận dựng ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA | |
Hiệp định UKVFTA lực đẩy cho gỗ Việt xuất ngoại |
Thuận lợi lớn
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được áp dụng tạm thời kể từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt mức tăng trưởng cao, thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt gần 6,6 tỷ USD năm 2021.
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định (năm 2021) đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Vương quốc Anh vẫn đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021.
Đánh giá về kết quả quan hệ thương mại Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhấn mạnh, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu năm 2021 với sự có mặt của UKVFTA đã bật tăng so với hai năm 2018, 2019.
Đề cập về thuận lợi khi thực thi Hiệp định UKVFTA, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, UKVFTA là một hiệp định tiếp nối Hiệp định EVFTA, vì thế cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ đã có thời gian chạy đà rất dài với EVFTA trước đó rồi, cho nên cũng quen thuộc hơn với với cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ khi triển hai thực thi Hiệp định..
Theo khảo sát của Trung tâm WTO và Hội nhập, có 18% các doanh nghiệp cho biết họ đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ và ở trong quan hệ giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland thì chúng ta có một lợi thế là các đối thủ cạnh tranh của chúng ta ở trong khu vực châu Á, đặc biệt trong khu vực ASEAN chưa có FTA với Vương quốc Anh.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng chỉ ra một số thuận lợi khi tiếp cận thị trường Anh, đó là đối tác Anh kinh doanh khá bài bản, chuyên nghiệp, là thị trường nói tiếng Anh - thứ tiếng phổ biến cho nên là các doanh nghiệp sử dụng ngôn ngữ chuẩn để giao dịch cũng thuận lợi hơn.
Tự tin vượt thách thức
Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội từ UKVFTA có không ít khó khăn phía trước. Như bà Nguyễn Thị Thu Trang nêu rõ, UKVFTA là Hiệp định thế hệ mới để hiểu và thực thi cam kết là không phải điều dễ dàng.
Bên cạnh đó, hiện so với Hiệp định CPTPP, EVFTA dường như là sự quan tâm của doanh nghiệp với UKVFTA vẫn còn vẫn còn hạn chế hơn. Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, có 61% doanh nghiệp chỉ nghe nói đến tên của Hiệp định mà chưa thực sự đi tìm hiểu là cái gì và mang lại lợi thế gì cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, hiện xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm chưa đầy 1% (khoảng 0,9%) trong tổng thị phần nhập khẩu của Anh. Trong khi, theo quan sát của Trung tâm WTO và Hội nhập có những lý do mà khiến cho doanh nghiệp còn e ngại thị trường này như về quy định, các điều kiện, yêu cầu về tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn chất lượng…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang nói thêm, có những doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường Anh nhưng mà chưa có bất kỳ một kết nối nào với thị trường này. “Thực tế này cho thấy, sự kết nối giữa các bên liên quan để tiếp cận sang thị trường Anh vẫn còn những hạn chế nhất định”- bà Trang cho hay.
Dự báo kinh tế Anh trong năm 2023 là sẽ đối diện rất nhiều khó khăn. Điều này sẽ gây không ít thách thức đối với hoạt động xuất khẩu sang thị trường Anh. Mặt khác, Anh được xếp là một trong những nước đi đầu trong những nỗ lực về môi trường và giảm phát thải cho nên là nó sẽ là thách thức tiếp theo với với các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Trong bối cảnh đó, để doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì và tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Anh, đầu tiên theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, doanh nghiệp phải tự giúp mình, tức là doanh nghiệp cũng phải phải chủ động để tiếp cận người tiêu dùng, tiếp cận khách hàng, tiếp cận đối tác phù hợp, xúc tiến thương mại phù hợp.
Ngoài ra, “bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp thì có lẽ cũng cần nỗ lực mà từ các cơ quan quản lý nhà nước và từ Chính phủ để doanh nghiệp có thể tận dụng được”- bà Trang khuyến nghị.
Cụ thể theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, cơ quan quản lý, các Bộ, ngành cần thúc đẩy kết nối thị trường bởi hiện nay thị trường Anh cũng tương đối xa lạ với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam. Cũng như cần các hỗ trợ cải thiện năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường cho doanh nghiệp; đẩy mạnh các chương trình đào tạo miễn phí để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hệ thống các tiêu chuẩn mới của thị trường Anh.
“Bằng những nỗ lực của cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan có thẩm quyền, cùng với sự hỗ trợ, tham gia tích cực làm cầu nối của những đơn vị hiệp hội ngành hàng, VCCI... hy vọng là chúng ta có thể có được kết quả tốt hơn trong tận dụng Hiệp định UKVFTA và để tiến vào thị trường Anh một cách tự tin hơn trong giai đoạn tới”- bà Trang chia sẻ.