Hậu bão số 3: Cần kịp thời có giải pháp giúp doanh nghiệp “trụ” thị trường
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong 30 năm qua. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III/2024 của cả nước có thể giảm 0,35%; quý IV/2024 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.
Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản đã đưa ra, ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.
Cần kịp thời có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất sau bão số 3. Ảnh minh hoạ |
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5%. Nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) bị đình trệ cục bộ.
Trong bối cảnh đó tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, bão số 3 gây thiệt hại đáng kể ngoài mong đợi có khả năng làm chậm lại tăng trưởng GDP của năm 2024. “Đây là khía cạnh đáng quan tâm hiện nay vì chỉ còn khoảng 1 quý nữa là kết thúc năm 2024”, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng nói.
Mục tiêu khắc phục thiệt hại do bão gây ra cần gắn với giải pháp kiên trì mục tiêu tăng trưởng đặt ra của cả năm. Điều này có thể xem là hai nhiệm vụ song hành những tháng cuối năm còn lại.
Liên quan đến những giải pháp ổn định tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm 2024, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng cho rằng, trước hết cần tiếp tục việc khắc phục thiệt hại do bão gây ra, cố gắng hàn gắn những thiệt hại, hư hỏng, đổ nát ngang ít nhất trước khi bão xảy ra như hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, kho tàng, cây xanh, cảnh quan, đê đập thuỷ lợi. “Cần có chương trình hỗ trợ sau bão phù hợp để tránh gây tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, ông Lạng nói.
Cùng đó cần động viên doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng nếu có cơ hội thuận lợi, cần mở rộng quy mô và tiếp tục khai thác thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường lực lượng hàng hoá từ miền Nam ra Bắc để duy trì ổn định thị trường.
Đồng thời, cần có chương trình kích cầu cuối năm bằng chính sách tài khóa miễn, giảm thuế, chính sách lãi suất hỗ trợ sau bão và chính sách trợ cấp phục hồi và phát triển nông nghiệp phát triển. Quyết liệt thúc đẩy đầu tư công các dự án lớn để tạo sức lan toả như dự án giao thông, năng lượng, phát triển ngành công nghệ mới như bán dẫn, năng lượng xanh, tự động hoá, thúc đẩy đổi mới chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn cùng với chuyển đổi xanh đồng hộ.
Phát huy tác động vốn FDI cùng đầu tư tư nhân để tạo ra sự phối hợp cần thiết và hiệu quả 2 luồng vốn này. Tiếp tục đàm phán ký kết hiệp định mới để tăng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo thêm lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh.
Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng cũng nêu quan điểm, kết hợp giữa khắc phục thiệt hại do mưa bão với tiếp tục phát huy các thế mạnh có sẵn bằng chính sách phù hợp với những thay đổi đột ngột tình hình do mưa bão thành nguồn sức mạnh mới để vượt lên khó khăn với quan điểm lạc quan là hết sức cần thiết.