Hàng Tết tràn ngập thị trường, khách mua thưa vắng
Hàng hóa đa dạng, nhiều chương trình khuyến mại dịp Tết tại các siêu thị Măng khô ngày Tết: Lợi ích và lưu ý khi chế biến Dịp Tết, hàng điện máy sale “nóng” nhưng sức mua “nguội” |
Theo đó, nắm bắt dòng chảy thị trường, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ bổ sung nhiều mặt hàng, đặc biệt là bánh kẹo Tết, nước ngọt, giỏ quà tặng. Bên cạnh đó, các cửa hàng, chuỗi siêu thị bán lẻ điện máy tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sốc để kích cầu mua sắm của người dân.
Cụ thể, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã thay đổi vị trí, kê thêm các gian hàng bánh kẹo, thực phẩm, hoa quả Tết để phục vụ nhu cầu của người dân trong đợt cao điểm cuối năm.
Đa dạng giỏ quả phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: Thanh Thúy |
Để đáp ứng nhu cầu quà tặng, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, các siêu thị tung ra các loại giỏ quả gồm rượu vang, bánh kẹo, trà… Tùy thuộc các sản phẩm trong giỏ quà là hàng Việt hay sản phẩm nhập khẩu thì mức giá sẽ khác nhau. Nhìn chung, các giỏ quà có mức giá dao động từ hơn 180.000 đồng – 2.000.000 đồng.
Đặc biệt, với mục đích khẳng định thương hiệu trên thị trường, các hệ thống siêu thị còn tung ra các giỏ quà riêng biệt, cung cấp thêm dịch vụ gói giỏ quà ngày Tết tự chọn. Ngoài các giỏ quà Việt Nam truyền thống, chuỗi siêu thị cung ứng các hộp quà Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Bánh kẹo cân đa dạng nhưng lượng người mua thưa thớt. Ảnh: Thanh Thúy |
Bánh kẹo tại các cửa hàng, kiot ngoài chợ cũng đa dạng nhưng lượng người mua không như mong đợi. Cô Hạnh, tiểu thương tại chợ Hà Đông cho hay, bánh kẹo nói chung và các sản phẩm bánh kẹo cân bán rất chậm.
Cô không ngần ngại bày tỏ: “Cô chỉ thích bán đắt hàng nhưng năm nay đang bán chậm hơn so với năm ngoái nên cô rất buồn, sốt ruột. Năm nay ít tiền nên cô cũng không nhập nhiều hàng như mọi năm”.
Không những vậy, khi có người đổ buôn quen, giới thiệu kẹo để nhập, cô cũng yêu cầu thử bằng được rồi mới chốt lấy với số lượng cụ thể.
Gia nhập vào cuộc đua ngày Tết, các chuỗi cửa hàng điện máy bán lẻ đang có vô vàn chương trình giảm giá hấp dẫn cùng các phần quà kèm theo. Các chương trình này áp dụng cho khách hàng mua trực tiếp tại các cơ cở và khách hàng mua trực tuyến (online). Theo đó, khách hàng mua càng nhiều sản phẩm, ưu đãi sẽ càng lớn (tặng phiếu mua hàng lên đến 10 triệu đồng, giao và lắp đặt miễn phí, trả góp lãi suất 0%...).
Tuy vậy, có một thực tế rằng, dù các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng và bán lẻ hàng hóa áp dụng các chương trình khuyến mại và chương trình trúng thưởng hấp dẫn đến đâu cũng không thể lôi kéo lượng lớn khách hàng mua sắm dịp cuối năm.
Nam nhân viên phụ trách bán điện thoại tại siêu thị điện máy HC cho hay: “Dù Tết đến gần nhưng thị trường vô cùng ảm đạm. Siêu thị tung nhiều chương trình khuyến mại nhưng không bằng lượng khách đến mua vào tháng 5, tháng 6”.
Các sản phẩm điện máy với vô vàn chương trình giảm giá hấp dẫn. Ảnh: Thanh Thúy |
Còn với chị Ngọc, quản lý lâu năm tại MediaMart cũng không giấu được muộn phiền: “Năm nay là một năm khó khăn, lượng mua sắm của khách hàng giảm nhiều (ít nhất 30 – 40%). Cùng thời điểm này cách đây 2, 3 năm trước (các tháng sát Tết), cửa hàng bán rất tốt. Trong khi đó, đây đã là tháng cuối cùng giáp Tết nhưng vắng bóng khách, chưa kể thời tiết mưa kéo dài ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân”.
Một ngành hàng khác không thể không nhắc đến dịp Tết là quần áo. Khảo sát tại các cửa hàng bán quần áo truyền thống, dễ dàng nhận thấy số lượng khách hàng đến mua thưa thớt dù trong những ngày cuối tuần, sát Tết.
Tiểu thương bán quần áo tại chợ Hà Đông không dám nhập nhiều hàng dịp Tết vì sức mua kém. Ảnh: Thanh Thúy |
Chị Thu, tiểu thương bán quần áo gần 7 năm tại đây bộc bạch: “So với thời điểm này năm ngoái, năm nay khách đến cửa hàng vắng, bán chậm, chủ yếu bán cho khách quen”.
Chị chia sẻ thêm: “Không chỉ quần áo, các mặt hàng khác tại chợ cũng vắng khách, tình hình buôn bán ảm đạm, các tiểu thương tại chợ có thời gian nghỉ trưa là biết năm nay buôn bán kém thế nào!”.
Chia sẻ về vấn đề này, những tiểu thương, nhân viên bán hàng và quản lý cho hay, không chỉ vì kinh tế năm nay khó khăn mà hình thức bán hàng truyền thống đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ việc bán hàng online, trên các sàn thương mại điện tử.
Có một thực tế rằng, người trẻ Việt Nam đang chuộng hình thức mua hàng online, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop…vì tiết kiệm thời gian và mua được sản phẩm với giá rẻ (không quan tâm đến chất lượng).
Trong tương lai, đối tượng này sẽ là người tiêu dùng chính tại Việt Nam. Vì vậy, những người kinh doanh bằng hình thức truyền thống sẽ gặp khó khăn trong thời điểm hiện tại và tương lai, họ cần phải tìm ra hướng đi mới, chú trọng vào chất lượng thay vì giá cả…thì mới có thể tồn tại trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay.
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chủ đề “Dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thời điểm những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa trong nhân dân thường tăng cao. Vấn đề cung cầu, giá bán và chất lượng sản phẩm hàng hóa được Sở Công Thương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường Tết 2024, ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu UBND TP. Hà Nội ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết 2024 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2023 đến hết tháng 6/2024). |