Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng quay đầu
Rực lửa chốt phiên ngày 24/2
Áp lực bán tháo khiến thị trường chứng khoán rơi tự do ngay từ đầu phiên khi tâm lý lo ngại biến động tình hình địa chính trị giữa Nga - Ukraine khiến nhiều mã rơi vào cảnh giảm sàn. Đóng cửa phiên hôm nay, VN-Index giảm 17,45 điểm xuống 1.494 điểm.
Trong đó, với nhóm ngân hàng, sắc đỏ bao trùm lên toàn cổ phiếu "vua" trong phiên hôm nay với 24 mã giảm giá. Chỉ có 3 mã tăng là VPB, EIB, PGB.
Loạt mã giảm giá từ 3-4% trong hôm nay như: LPB (-3,4%), TPB (-3,2%), HDB (-2,9%), CTG (-2,9%), NVB (-2,8%), TCB (-2,3%), BID (-2,19%). Nhóm có mức giảm thấp hơn trên dưới 1% như: TCB (-, ACB (-0,43%), VIB (-0,11%), VCB (-1,8%), SHB (1,81%), STB (2,08%), OCB (-2,36%), BAB sàn Hà Nội (HNX) giảm -0,4%...
Đáng chú nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn UpCom cũng chìm trong biển lửa, trong đó nhiều mã xuống dưới 20.000 đồng/cổ phiếu: VAB (-3,9%), SGB của Saigonbank giảm -3,7% về còn 18.300 đồng/cổ phiếu, VBB của VietBank giảm - 1,7% xuống 17.300 đồng/cổ phiếu.
BVB của Viet Capital Bank giảm - 2,32%, nhưng vẫn duy trì trên 20.000 đồng/cổ phiếu; NAB của Nam A Bank giảm nhẹ - 0,97%, song vẫn đạt mức 20.400 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù giá giảm mạnh nhưng thanh khoản các cổ phiếu vẫn ở mức cao. Đơn cử, STB của Sacombank có hơn 30 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên ngày 24/2, cổ phiếu MBB cũng đạt 30 triệu đơn vị, TCB đạt 15 triệu đơn vị, HDB đạt gần 15 triệu đơn vị…
Trong khi đó, các mã cổ phiếu VPB, EIB, PGB lại lội ngược dòng thị trường khi mã VPB ghi nhận mức tăng + 2,79% đóng cửa phiên chiều ở giá 36.900 đồng/cổ phiếu.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu này cũng bùng nổ với gần 36 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư. VPB cũng là mã tăng giá mạnh nhất trong VN30 phiên hôm nay.
Tiếp theo là mã EIB của Eximbank cũng tăng +1,8% trong phiên chiều ngày 24/2, khối lượng giao dịch đạt 1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu EIB tăng khi nhà băng này đã tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên 2021 lần thứ 2 sau 3 năm thất bại và bầu được vị trí ghế "nóng" Chủ tịch thuộc về bà Lương Thị Cẩm Tú - người được các nhóm cổ đông của Eximbank tín nhiệm.
Cổ phiếu EIB đã tăng mạnh trong thời gian qua, với mức tăng trên 80% kể cả khi thông tin đối tác chiến lược SMBC (Nhật Bản) chấm dứt hợp tác với Eximbank.
PGB cũng là mã cổ phiếu dòng "vua" hiếm hoi tăng 0,9% lên 34.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm nay trên sàn UPCoM.
Kỳ vọng câu chuyện riêng
Thế nhưng, cổ phiếu "vua" vẫn được đánh giá triển vọng khi có chất xúc tác tiềm năng từ các câu chuyện riêng của từng nhà băng.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã chỉ ra một số chất xúc tác tiềm năng cũng như kế hoạch kinh doanh của hơn chục ngân hàng trong năm 2022.
Cụ thể, Sacombank (STB) có câu chuyện về kế hoạch sẽ bán 32,5% cổ phần của VAMC tại ngân hàng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước sau giai đoạn tái cơ cấu cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Vietcombank (VCB) có khoản hoàn nhập dự phòng tiềm năng nhờ có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đến 424%. Ngoài ra, Vietcombank có kế hoạch bán 6,5% vốn điều lệ của ngân hàng cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Tương tự, ACB có thể ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng tiềm năng nhờ có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao lên đến 229% cuối năm 2021. Cũng tương tự như ACB, MSB nhiều khả năng có khoản hoàn nhập dự phòng tiềm năng nhờ có tỷ lệ dự phòng rủi ro cao 268%.
Bên cạnh đó, MSB tiếp tục có tăng trưởng cao với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Ngân hàng này đã thoái vốn khỏi công ty tài chính FCOMM, kỳ vọng sẽ ghi nhận lãi 2.000 tỷ đồng từ thoái vốn.
Trong khi đó, VIB trình đại hội cổ đông trong tháng 3/2022 với tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu 35% và được dự báo có tăng trưởng tín dụng 20% trong năm nay, lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 37% năm nay.
VPBank (VPB) kỳ vọng sẽ hoàn tất giao dịch bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2022 khi nhà băng này đã nới room ngoại lên 17%.
Sau thương vụ bán vốn FE Credit, ngân hàng này sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh nhờ có nguồn vốn dồi dào. Yuanta cũng kỳ vọng VPB sẽ tái đàm phán để ký kết thương vụ bảo hiểm độc quyền mới.
Techcombank (TCB) dự kiến sẽ IPO công ty chứng khoán trực thuộc TCBS thời gian tới. Ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ tái đàm phán để ký hợp đồng banca mới.
BIDV (BID) có kế hoạch phát hành 341,5triệu cổ phiếu (tương đương 6,8% vốn điều lệ hiện tại) cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong năm 2022.
VietinBank (CTG) có thể ghi nhận thu nhập phí tăng do ghi nhận khoản phí trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền với Manulife (16 năm). Ngoài ra, nhà băng này đang thoái vốn khỏi các công ty con để củng cố nguồn vốn.
Còn HDBank (HDB) được Yuanta Việt Nam dự báo tăng trưởng tín dụng khoảng 20% năm 2022, lợi nhuận tăng 21%. Ngân hàng có tiềm năng sẽ thực hiện thương vụ bancassurance độc quyền mới.
Riêng OCB sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu (tương đương 5% vốn điều lệ hiện tại) thông qua phương thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. SHB đã chuyển nhượng 50% vốn tại Công ty Tài chính tiêu dùng SHB Finance sang cho Krungsri và sẽ chuyển nhượng 50% còn lại sau 3 năm.
Chính các yếu tố trên được giới phân tích tài chinh cho rằng, sẽ là chất xúc tác lên cổ phiếu "vua" trong thời gian tới, nhất là khi dịch bệnh dần kiểm soát, kinh tế hồi phục và tín dụng tăng trưởng trở lại sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận năm 2022.
Các chuyên gia chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ đạt mức 22,2% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và trên mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.