Hà Nội sẽ làm gì với gần 10.000 công trình xây dựng sai phép, không phép?
Những đề xuất mới trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội Hà Nội xây dựng quy hoạch Thủ đô gắn với liên kết vùng Hà Nội sửa soạn đấu giá hơn 3.000m2 đất sát sân bay quốc tế Nội Bài |
Một báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội vừa trình UBND thành phố về kết quả kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định pháp luật về việc cấp giấy phép xây dựng, tình hình trật tự xây dựng đối với các loại hình công trình nhà ở cho thấy một con số không khỏi giật mình.
Theo đó với số lượng 69.448 công trình được kiểm tra thì có đến 2.294 công trình xây sai giấy phép, 7.326 công trình không phép. Con số công trình xây dựng sai phép hoặc không phép này chắc chắn sẽ không còn dừng lại khi mà còn tới 33.580 công trình khác vẫn đang thuộc diện “kiểm tra”.
Những công trình xây dựng thuộc diện kiểm tra lần này gồm: Chung cư, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ (nhà trọ) và nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên được nêu trong báo cáo của Sở Xây dựng "một phần" là do “sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các địa phương còn thiếu sự quyết liệt; năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao. Đồng thời, việc kiểm tra, xử lý các sai phạm ở một số nơi còn chưa quyết liệt, một số UBND cấp huyện chưa chủ động kiểm tra, rà soát…”.
Khu "chung cư" My Home ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất- một điển hình về sai phạm trong xây dựng. Ảnh minh họa |
Câu hỏi được đặt ra là Hà Nội sẽ làm gì với lượng công trình "không hề nhỏ" này với những sai phạm liên quan đến giấy phép để không chỉ giải quyết một căn bệnh lâu nay liên quan đến quản lý xây dựng của thành phố cũng như không tạo thêm những tiền lệ mọc lên thêm những công trình vừa trực tiếp làm rối loạn trật tự xây dựng, vừa gián tiếp gây ảnh hưởng mỹ quan cũng như cả tính mạng người dân như đã thấy.
Đi cùng đó là dư luận quan tâm đến các phương án xử lý, "liệu sẽ là phá dỡ, hay lại “phạt” cho tồn tại (?)” hoặc một hình thức, phương án nào khác bảo đảm kỷ cương phép nước để không còn có những công trình mà thời gian xử lý diễn ra dài hơn cả thời gian xây dựng công trình.
Thực tế cho thấy hệ thống văn bản pháp luật về quản lý trật tự xây dựng hiện đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Vấn đề là năng lực thực thi của đội ngũ chức năng, từ lãnh đạo chính quyền các cấp đến các lực lượng thanh kiểm tra, cấp phép, nhất là tại các quận, huyện được báo cáo của Sở Xây dựng điểm danh về “nổi cộm” như huyện Đông Anh, các quận: Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình.
Hà Nội cần coi đây là dịp để tạo bước chuyển cơ bản trong việc nâng cao năng lực quản lý trật tự xây dựng đô thị, nâng cao hiệu lực của pháp luật, đặc biệt là những công trình tiềm ẩn các nguy cơ về cháy nổ để không lặp lại bài học đau xót ở Khương Hạ.
Dư luận cho rằng, việc xử lý dứt điểm ngay cả khối lượng công trình không phép, sai phép từng để kéo dài nhiều năm nay là không thực tế bởi vậy cần chọn những công trình để việc xử lý mang tính răn đe, thực sự thuyết phục tạo được hiệu lực, hiệu quả cũng như niềm tin với chính quyền.
Kinh nghiệm cho thấy, cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng cơ sở để việc duy trì trật tư xây dựng không chỉ gắn với vai trò quản lý của chính quyền mà còn gắn với vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng, từ đó tạo ra sự thống nhất cao trong quản lý và xử lý sai phạm.