Những đề xuất mới trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội
Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị Phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu CNC Hòa Lạc Sớm triển khai nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội |
Phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông Hồng
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã đặt ra nhiều đề xuất mới vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Như đối với trục sông Hồng, theo UBND TP. Hà Nội, sông Hồng hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để so sánh với các đô thị lớn của thế giới, các nền văn minh lớn của quốc tế, xứng tầm để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Quy hoạch phát triển hai bên sông Hồng đã được đặt ra ở nhiều thời kỳ quy hoạch trước đây, nhưng chưa đủ nguồn lực, điều kiện để khai thác, phát triển sông Hồng trở thành trục không gian phát triển của Thủ đô. Đặc biệt là vấn đề trị thủy, chính trị sông Hồng và các quan điểm khác nhau của các ngành lĩnh vực trong khai thác phát triển sông Hồng.
Thay đổi nhận thức phát triển sông Hồng trở thành không gian phát triển, thể hiện quan điểm ứng xử mới là không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội về du lịch, khoa học công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển. Trục sông Hồng được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng.
Theo Hà Nội, trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông Hồng, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông du lịch hai bên sông.
Bên cạnh đó, với đề xuất mô hình áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logicstics; thương mại quốc tế; tài chính;… để hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.
Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển mới.
HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Ảnh: Hanoi.gov.vn |
Xây sân bay thứ 2 tại phía Nam
Theo UBND thành phố Hà Nội, dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển sân bay thứ 2 - vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô và Quốc gia hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế. Vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu báo cáo cơ quan thẩm quyền quyết định.
Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào khoảng năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.
Bố trí không gian phát triển Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô tại khu vực phía Nam của trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5B, giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt thống nhất Bắc - Nam và trục giao thông kinh tế phía Nam, thuộc địa bàn một số xã huyện Ứng Hòa, quy mô khoảng 50 triệu hành khách/năm.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc kết nối phát triển sân bay phía Nam với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường hàng không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng), đường bộ (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ - Tây Bắc, Quốc lộ 1, trục phía Nam, trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Bắc, đô thị cửa ngõ Nam của Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, dự trữ hành lang phát triển các trục phía Nam, đường sắt đô thị nối từ trung tâm ra sân bay phía Nam và trục giao thông liên kết Đông - Tây để phát huy lợi thế của đầu mối giao thông quan trọng phía Nam.
Trong giai đoạn chưa triển khai đầu tư dự án sân bay phía Nam, cần có các biện pháp quản lý phát triển phù hợp để đảm bảo điều kiện mặt bằng cho phát triển dự án trong tương lai, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được khai thác sử dụng tạm để sản xuất, sinh sống, đảm bảo điều kiện phát triển thuận lợi của người dân hiện trạng.
Đồ án sẽ được xin ý kiến Bộ Xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt.