Chuyên gia nói gì về lộ trình 'xanh hoá' xe buýt Thủ đô?
Hà Nội: Toàn cảnh dự án Nam Đàn Plaza bỏ hoang gần 20 năm không triển khai Tương lai của năng lượng xanh tiềm ẩn những gam màu xám Liệu đến năm 2050 nhà nhà đều sử dụng xe điện thay vì xe xăng? |
Trong đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng, đến năm 2030 đạt khoảng 70-90% và đến năm 2035 đạt 100%, TP Hà Nội đã đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi.
Theo đó, kịch bản 1 là toàn bộ 100% xe buýt điện, tổng nguồn lực đầu tư là 52.354 tỷ đồng. Kịch bản 2 là, tỷ lệ chuyển đổi là 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG, tổng nguồn lực là 47.003 tỷ đồng. Kịch bản 3, 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG), tổng nguồn lực là 43.940 tỷ đồng.
Tương ứng với các kịch bản trên, số phương tiện dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.433 xe; 2.212 xe và 2.076 xe. Tổng chi phí cho 3 phương án lần lượt là hơn 60 nghìn tỷ, gần 55 nghìn tỷ và hơn 51 nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, nhiều ý kiến băn khoăn, cả về hiệu quả kinh tế và hiệu quả giảm phát thải của phương án này.
Xe buýt chạy điện tại Hà Nội đang thực hiện lộ trình "xanh hóa". Ảnh: VinBus |
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, với số tiền hơn 51 nghìn tỷ đồng cho hơn 2 nghìn phương tiện chuyển đổi từ nay đến năm 2035, bình quân gần 25,5 tỷ cho một phương tiện, nhưng chỉ sử dụng trong 10 năm là khá lãng phí.
"Tối thiểu của tài sản như ô tô thường phải khấu hao từ 15-20 năm, nhưng bây giờ chỉ sử dụng 10 năm. Rõ ràng một cái phương tiện chỉ sử dụng 10 năm rồi bỏ đi có lãng phí không?”, ông Thịnh nói.
Trước nhiều ý kiến cho rằng nếu Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc và xe chạy CNG, nhưng sau năm 2035, Hà Nội sẽ vẫn phải thay thế 100% xe buýt điện thì chẳng khác gì “ném tiền qua cửa sổ”, chuyên gia cho rằng đây là bài toán kinh tế phức tạp và vô cùng tốn kém, cần phải tính toán kĩ càng.
Ngoài ra, chuyên gia chỉ ra thêm những vướng mắc về kinh tế khi phải đầu tư mới hệ thống trạm nạp khí, hệ thống vận tải bằng khí CNG sau năm 2035, khi toàn bộ phương tiện xe buýt chuyển sang chạy điện.
“Giờ phải làm bao nhiêu thứ liên quan đến lĩnh vực mới hoàn toàn, còn chưa nói đến hệ thống trạm LNG/CNG, tự nhiên 10 năm nữa cũng bỏ; xây lên rồi lại bỏ, mỗi trạm đó bao nhiêu, mấy tỷ? Đây là bài toán không đơn giản. Cho nên tính toán thì phải tính hiệu quả đầu tư, con nhà nghèo mà cứ tính làm có mấy năm rồi bỏ thì rõ ràng lãng phí là cái chắc", chuyên gia nhấn mạnh.
Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt city tour.
Về phương tiện, Hà Nội có 2.034 xe buýt trợ giá với 277 xe sử dụng năng lượng sạch. Xe buýt sử dụng CNG (Compressed Natural Gas) là một loại khí thiên nhiên có thành phần chính là khí methane - CH4 (chiếm 85-95%). CNG được khai thác từ các mỏ khí thiên nhiên hoặc từ khí đồng hành trong các mỏ dầu.
Đặc điểm của CNG là nhẹ, dễ tan trong không khí, không màu, không mùi, không gây độc hại. Còn xe buýt sử dụng LPG (Liquefied Petroleum Gas) là khí dầu mỏ hóa lỏng (thường gọi là khí gas) có thành phần gồm các loại khí hidrocacbon.
Tháng 1/2024, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện trong thời hạn 1 năm đối với 9 tuyến xe buýt hết hạn thầu vào năm 2024.
Cụ thể, trong quý 1/2024, Hà Nội có 9 tuyến xe buýt sẽ hết hạn thầu vào ngày 31/3, gồm các tuyến như khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn, bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ, Long Biên - Nội Bài và nhiều tuyến khác.
Khi 9 tuyến xe buýt trên hết hạn thầu, Sở Giao thông vận tải sẽ thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện. Hoàn tất thủ tục đặt hàng, Sở sẽ chọn đơn vị tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với xe buýt điện loại trung bình và nhỏ, làm cơ sở cho các đấu thầu tuyến buýt sau khi thời gian thí điểm kết thúc.
Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 68 tuyến xe buýt hết hạn thầu và cần phải chuyển đổi sang sử dụng xe buýt điện. Hiện tại, Hà Nội dành khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt.