Chuyển đổi giao thông xanh: Cần chính sách đặc thù
Cân nhắc, tránh lãng phí nguồn lực
Hiện nay, Hà Nội hiện có khoảng 9,2 triệu phương tiện cá nhân, nhưng mới chỉ có khoảng 200 nghìn xe máy điện, vài nghìn ô tô điện. Gần 9 triệu xe cơ giới còn lại đang sử dụng xăng, dầu, là một trong những nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng bị đánh giá là một trong những thành phố có nguy cơ ô nhiễm không khí cao nhất, nhiều thời điểm khói bụi đạt ngưỡng nguy hại cho sức khỏe con người.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Việt Nam đã cam kết tại COP26, và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 2/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải, với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Xe buýt xanh đang là mục tiêu lớn của Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hoa |
Theo đó, thực hiện Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng, đến năm 2030 đạt khoảng 70-90% và đến năm 2035 đạt 100%. TP Hà Nội đã đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi.
Trong đó, kịch bản 1 là toàn bộ 100% xe buýt điện, tổng nguồn lực là 52.354 tỉ đồng. Kịch bản 2 là, tỷ lệ chuyển đổi là 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG, tổng nguồn lực là 47.003 tỉ đồng. Kịch bản 3, 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG, tổng nguồn lực là 43.940 tỉ đồng.
Tương ứng với các kịch bản trên, số phương tiện dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.433 xe; 2.212 xe và 2.076 xe. Tổng chi phí cho 3 phương án lần lượt là hơn 60 nghìn tỷ, gần 55 nghìn tỷ và hơn 51 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế xuất hiện nhiều ý kiến băn khoăn, cả về hiệu quả kinh tế và hiệu quả giảm phát thải của phương án này.
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, với số tiền hơn 51 nghìn tỷ đồng cho hơn 2 nghìn phương tiện chuyển đổi từ nay đến năm 2035, bình quân gần 25,5 tỷ cho một phương tiện, nhưng chỉ sử dụng trong 10 năm là khá lãng phí.
"Tự nhiên anh bỏ đi một khoản đầu tư rất lớn, cả ô tô, bởi tối thiểu của tài sản như ô tô thường phải khấu hao từ 15-20 năm, nhưng bây giờ chỉ sử dụng 10 năm. Rõ ràng một phương tiện chỉ sử dụng 10 năm rồi bỏ đi có lãng phí không?”, ông Thịnh cho hay.
Đứng dưới góc độ kinh tế, trước nhiều ý kiến cho rằng nếu Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc và xe bus chạy CNG (loại xe buýt sử dụng khí thiên nhiên nén) nhưng sau năm 2035, Hà Nội sẽ vẫn phải thay thế 100% xe buýt điện thì chẳng khác gì “ném tiền qua cửa sổ”, chuyên gia cho rằng đây là bài toán kinh tế phức tạp và vô cùng tốn kém, cần phải tính toán kỹ càng.
Có thể nói, hiện trạng hạ tầng dành cho xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch khác đang là thách thức lớn nhất đối với cuộc cách mạng xanh giao thông. Hiện ngay cả quy hoạch mạng lưới điện cho phương tiện vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội còn chưa có, nguồn nhiên liệu sạch cung cấp cho xe buýt, tàu điện còn eo hẹp chứ chưa nói đến lượng phương tiện cá nhân cao gấp hàng trăm lần.
Xe buýt sử dụng năng lượng sạch vừa thân thiện môi trường vừa tạo mỹ quan đô thị. Ảnh: Vinbus |
Cần cuộc "cách mạng xanh" trong lĩnh vực giao thông
Nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông xanh tại Hà Nội, mới đây, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có một số vấn đề về môi trường, chuyển đổi năng lượng hóa thạch. Hội đồng nhân dân Thành phố cũng đã họp và ban hành quyết định liên quan đến sự cần thiết của đề án phát triển phương tiện xanh; Sở Giao thông vận tải đang xây dựng đề án thực hiện.
Theo đó, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư, tránh lãng phí và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp vận hành.
Đồng thời, Ban Đô thị đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố nghiên cứu phương án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo tỷ lệ vận tải đến năm 2030 đạt 45-50%; kết nối hạ tầng kỹ thuật hệ thống xe buýt với hệ thống đường sắt đô thị hiệu quả, tiếp tục chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị chính quyền thành phố bổ sung phương án cấp điện, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho xe điện, trạm sạc, phòng cháy, chữa cháy phù hợp quy chuẩn. Ban Đô thị cũng đề nghị quy định về điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch.
Để gỡ khó, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông xanh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay, cần tiếp tục dành nguồn lực, các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất và sử dụng phương tiện.
Bộ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần sự hỗ trợ rất lớn của quốc tế, không chỉ về tài chính mà còn là kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi chính sách. Từ đó, áp dụng một cách phù hợp với đặc thù của Việt Nam và từng ngành, lĩnh vực.
Có thể khẳng định xu thế tất yếu của Hà Nội là phải xanh hóa phương tiện giao thông nhằm bảo đảm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững. Nhưng làm thế nào để thực hiện cuộc "cách mạng xanh" trong lĩnh vực giao thông lại là bài toán rất khó với chính quyền và người dân.
Để đạt được mục tiêu đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất là chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng nhiên liệu sạch. Nhận diện rõ nguy cơ ô nhiễm và xu thế tất yếu xanh hóa phương tiện giao thông, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TP Hà Nội đã vạch ra lộ trình từ năm 2025, 100% số xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ phải sử dụng điện, năng lượng xanh; đồng thời thành phố cũng có lộ trình giảm thiểu phương tiện cá nhân.