Góc nhìn chuyên gia: Vàng đang ''nhạy cảm'', mua sợ dính đỉnh, không mua thì tiếc, nên làm gì?
Giữa "bão giá" các nhà đầu tư vàng cần lưu ý gì? Muốn tích lũy lâu dài, nên gửi tiết kiệm hay mua vàng? Giá vàng "nhảy múa" tuần qua, người mua vàng lãi hay lỗ? |
Chuyên gia Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi, đã có những chia sẻ tâm huyết liên quan đến giá vàng và xu hướng đầu tư trong thời gian tới.
Ông Huy nói: Đây là giai đoạn nhạy cảm khiến nhiều người lâm vào tình trạng mua thì sợ dính đỉnh, không mua thì sợ nhỡ thời gian tới giá vàng lại tăng thì sao?
Trong bối cảnh giá vàng liên tục biến động, đầu tư vào vàng có phải là lựa chọn an toàn cho người dân có tiền nhàn rỗi?
Hiện giá vàng đang ở vùng đỉnh lịch sử trong nhiều năm trở lại đây. Có những phiên tăng hay phiên giảm nhưng trong 5 tháng đầu năm 2024 thì gia vàng luôn ở xu thế tăng. Hiện, giá vàng thế giới dao động từ 2.000 – 2.400 USD/lượng, giá vàng trong nước dao động từ 70 – 90 triệu/ lượng.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: NTU |
Việc giá vàng liên tục tăng xuất phát từ một số nguyên nhân chính: Thứ nhất, các cuộc chiến tranh trên thế giới chưa đến hồi kết: Nga – Ukraina, xung đột giữa các quốc gia tại Trung Đông ngày một nóng dần lên khiên cho tâm lý mua vàng để trú ẩn rủi ro lại tăng cao đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Thứ hai, nhu cầu mua vàng của Ấn Độ, Trung Quốc tăng mạnh cả ở người dân và ngân hàng trung ương. Một số ngân hàng trung ương các nước trên thế giới cũng mua vào mạnh số lượng lớn vàng để phòng ngừa nguy cơ bị áp đặt phong tỏa tài sản ở nước ngoài nếu có biến cố lớn xảy ra.
Thứ ba, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong năm 2024 sẽ ngừng tăng lãi suất và có xu hướng xem xét các đợt cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tiền sẽ được bơm mạnh trở lại nền kinh tế khi cho giá trị các tài sản có xu hướng tăng, trong đó có vàng.
Về câu hỏi người dân có tiền nhàn rỗi lúc này có nên mua vàng hay không thì thực sự đây là giai đoạn nhạy cảm khiến nhiều người lâm vào tình trạng: Mua thì sợ dính đỉnh, không mua thì sợ nhỡ thời gian tới giá vàng lại tăng thì sao?
Theo tôi, việc mua vàng lúc này người dân cần cân nhắc tới những biến động vĩ mô trong và ngoài nước: Xu thế của các cuộc chiến trên thế giới, thay đổi chính sách quản lý vàng trong nước, sửa Nghị định 24, cùng các biện pháp bình ổn giá vàng (như đấu thầu vàng miếng, chống buôn lậu, thanh tra thị trường vàng…).
Đồng thời, khẩu vị rủi ro của mỗi người dân, mức độ hiểu biết về kỹ năng đầu tư, nâng cấp kiến thức bằng các khóa học về đầu tư, tham khảo ý kiến chuyên gia, kết hợp phân tích kỹ thuật để cân đối giữa lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro trươc khi ra quyết định.
Theo ông, việc sửa đổi Nghị định 24 tới đây sẽ tác động như thế nào đến sự ổn định của giá vàng trong nước?
Một trong những giải pháp mọi người kỳ vọng nhất là bỏ độc quyền vàng miếng. Khi có nhiều đơn vị được phép nhập khẩu vàng miếng thì sẽ giúp cho nguồn cung dồi dào hơn hiện nay, góp phần thu hẹp chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới, cũng như giảm việc buôn lậu vàng.
Tuy nhiên, khi đó chúng ta cần quản lý danh mục bao nhiêu đơn vị được cấp phép nhập khẩu vàng, điều kiện, năng lực thỏa mãn các tiêu chí gì, phải làm sao để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh để không xảy ra việc lợi ích nhóm, liên kết thao túng thị trường vàng.
Vàng là mặt hàng liên quan tới an ninh tiền tệ quốc gia nên vẫn cần có sự quản lý và điều tiết của nhà nước. Theo đó, trong các đơn vị được phép nhập khẩu vàng thì cần có những đơn vị chủ lực là đơn vị kinh tế nhà nước để đảm bảo vừa có tính định hướng, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia vừa có tính cạnh tranh theo thị trường.
Ông đánh giá kênh đầu tư nào là ổn định và có khả năng sinh lời tốt nhất trong 10 năm qua?
Nhìn lại thị trường vàng, tính từ năm 2013 đến nay - thời gian thực hiện cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, giá vàng SJC đã tăng từ 34,7 triệu đồng/lượng lên đỉnh của năm 2024 trên vùng 80 - 90 triệu đồng/lượng. Nhìn trong khoảng 10 năm qua, giá vàng miếng liên tục đi lên.
Giá vàng liên tục "nhảy múa" thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư "đứng ngồi không yên". Ảnh: Gold |
Thị trường chứng khoán: VN-Index 2013 khoảng 400 điểm, nay đã dao động quanh 1200 điểm thì có thể tăng gấp 3 lần. Nếu ai đầu tư mã FPT vào cuối năm 2013 với giá 30.000 đồng/cổ phiếu thì hiện đang quanh mức 120.000 - 130.000 đồng/cổ phiếu (gấp hơn 4 lần và lại được hưởng cổ tức, mua phát hành thêm sau nhiều lần tăng vốn), VCB cuối năm 2013 với giá 2X thì hiện quanh vùng 9x ( cũng sau nhiêu lần chia tách).
Bất động sản: Giá chung cư Hà Nội năm 2013 khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2 hiện khoảng 50 - 70 triệu đồng/m2, giá tăng khoảng 2 - 4 lần.
Tiết kiệm: Với lãi suất bình quân khoảng 6% thì sau 10 năm cả lãi cộng dồn vào gửi tiếp thì suất sinh lời cũng đạt gần 100%.
Như vậy, đầu tư cổ phiếu sẽ có lợi nhuận tốt hơn, nhưng lại cần có kiến thức hiểu biết chuyên sâu, lựa chọn cổ phiểu tốt và tiềm năng tăng trưởng, đầu tư giá trị và kiên định trước những đợt sóng lên sóng xuống, sự rung lắc của thị trường. Nhìn chung, đầu tư vào thị trường nào cũng có cơ hội đi kèm cùng rủi ro, trước khi đầu tư thì nên học các khóa học, nghiên cứu sách vở, tham vấn chuyên gia để cân bằng lợi ích và rủi ro khi ra quyết định đầu tư. Đặc biệt hạn chế lạm dụng đòn bẩy tài chính và chạy theo hiệu ứng tâm lý đám đông.
Ông nghĩ rằng biện pháp nào là quan trọng nhất để đảm bảo giá vàng không "nhảy múa" và gây ra những hệ lụy cho kinh tế?
Giá vàng tăng sẽ cuốn theo một lượng vốn không nhỏ trong cư dân bị hút vào rồi để nằm yên không tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Bình ổn thị trường cần nhiều giải pháp căn cơ.
Thứ nhất là nhóm giải pháp thị trường: Xem xét lộ trình bỏ độc quyền vàng miếng, đồng thời sớm cho phép các đơn vị tham gia nhập khẩu vàng miếng dựa trên các tiêu chí chặt chẽ về tín nhiệm, tài chính, năng lực quản trị rủi ro, trách nhiệm xã hội… trong đó vẫn có sự tham gia của những đơn vị kinh tế có yếu tố nhà nước mang tính dẫn dắt để đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia và các đơn vị kinh tế tư nhân đảm bảo tính cạnh tranh theo yếu tố thị trường.
Thứ hai, nhóm giải pháp hành chính, gồm: Chống buôn lậu vàng; thanh tra kiểm tra định kỳ và bất thường thị trường vàng; chuẩn hóa các giao dịch vàng về hóa đơn chứng từ; Nhà nước tham gia mua, bán vàng với số lượng hợp lý đủ để điều tiết thị trường phát triển ổn định.
Thứ ba, nhóm giải pháp truyền thông: Các cơ quan truyền thông báo chí, truyền hình thường xuyên có những thông tin chia sẻ về biến động thị trường vàng, phân tích, nhận định rủi ro. Bên cạnh đó, cần đưa các môn khởi nghiệp, quản lý tài chính cá nhân vào học từ cấp 1, 2, 3, đại học. Chỉ khi có kiến thức và tư duy về khởi nghiệp, đầu tư thì người dân mới dùng vốn vào cho các dự án khởi nghiệp kinh doanh, đa dạng hóa danh mục đầu tư (góp vốn kinh doanh, đầu tư chứng khoán, vàng, bất động sản, trái phiếu…), giảm việc vàng hóa nền kinh tế.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc bình ổn giá vàng?
Ngân hàng nhà nước đóng vài trò là đơn vị điều tiết vĩ mô về việc bình ổn giá vàng, có những công cụ có thể sẵn sàng can thiệp để bình ổn giá vàng: Ban hành các văn bản để đưa ra các quy tắc ứng xử của các thành viên tham gia thị trường vàng, thanh tra định kỳ hay đột xuất các đơn vị tham gia thị trường vàng, cung cấp vàng ra thị trường, hay mua vào khi cần thiết.
Ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng việc giữ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng là nguyên nhân gây ra sự không ổn định trên thị trường vàng thời gian qua?
Việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng giúp cho giá vàng trong nước liên thông với quốc tế. Còn để giữ ổn định thị trường thì chúng ta vẫn phải kết hợp các giải pháp phù hợp với sự biến động của mọi thời kỳ, vì khi giá vàng có ảnh hưởng trọng yếu từ biến động của tình hình vĩ mô thế giới: Chiến tranh, lạm phát, việc thu gom vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới… nên chúng ta cần làm tốt công tác quản lý, điều tiết được các nhân tố ảnh hưởng ở trong nước và làm tốt công tác dự báo giá vàng thế giới để có giải pháp cảnh báo sớm và quản trị rủi ro kịp thời.
Một ví dụ cụ thể nếu có 500 triệu đồng thời điểm này nên mua vàng hay chơi chứng khoán? Chuyên gia Nguyễn Quang Huy: 500 triệu là một số tiền lớn, nhưng cũng tùy thuộc vào thu nhập của mỗi người thì nó ở mức nhiều hay ít nên có người thì coi đó là khoản tiền đầu tư, có người thì coi đó là khoản tiền chơi cho vui vì dù nếu có thua lỗ thì cũng không ảnh hưởng trọng yếu tới tài chính của mình. Tuy nhiên để lựa chọn nên đầu tư vàng hay chứng khoán thì nhà đầu tư nên cân nhắc một số các yếu tố sau: Mức độ hiểu biết của mình về thị trường vàng, chứng khoán. Trải nghiệm của mình tham gia thị trường vàng, chứng khoán đã bao lâu, đã có kinh nghiệm theo từng biến động lên xuống chưa. Thông tin hỗ trợ từ chuyên gia, đội ngũ phân tích kỹ thuật. Vàng thì đơn giản cũng chỉ có mua vàng miếng rồi quan sát diễn biến của giá vàng, nhưng chứng khoán thì sẽ cần nghiên cứu nhiều hơn vì 3 sàn UpCom, HNX, HoSE có hơn 1000 mã chứng khoán, nên việc tìm kiếm mã nào cổ phiếu nào để đầu tư cũng là một công việc thú vị và đòi hòi nghiêm túc, công phu. Do đó, trước khi đầu tư 500 triệu vào vàng hay chứng khoán tốt nhất nên dùng ngân sách 10 - 50 triệu để tham gia các khóa học về đầu tư vàng, chứng khoán, bất động sản, quản lý tài chính cá nhân… Trải nghiệm thử trước khi thực hiện giao dịch đầu tư thực tế thì sẽ giúp nhà đầu tư cân bằng được giữa lợi ích kỳ vọng và rủi ro. Ngoài ra, phân bổ một phần ngân sách này cho việc nâng cao sức khỏe, học tập nâng cấp trí tuệ bản thân, bởi như người ta vẫn nói “sức khỏe là vàng, trí tuệ là kim cương”. |