Giang Nam Petrol, khát vọng phát triển và những cách làm khó người học theo
Ông Nguyễn Trọng Ngọc và thương vụ M&A “để đời”
Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam (Giang Nam Petrol) là một trong hơn 30 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam. Thị trường chính của Giang Nam Petrol nằm ở 4 tỉnh, thành phố lớn là Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh và Cần Thơ.
Dù được đánh giá là doanh nghiệp trẻ, song Giang Nam Petrol đang dần trở thành thương hiệu đáng chú ý trong giới kinh doanh xăng dầu, với tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng. Báo Công Thương đã tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc về lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Ban đầu, Giang Nam Petrol được thành lập ngày 29/5/2019, là đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng vận tải Giang Nam (Giang Nam Tranconco) - một nhà thầu nhỏ chuyên thi công xây dựng công trình tại thành phố Hải Phòng.
Vốn sáng lập của Giang Nam Petrol chỉ đạt 5 tỷ đồng. Cặp đôi doanh nhân "đất Cảng" - ông Vũ Văn Dương (SN 1975) và bà Nguyễn Thị Thu (SN 1981) là người đại diện pháp luật của Giang Nam Petrol khi đó. Thực tế, ông Vũ Văn Dương và bà Nguyễn Thị Thu chính là người sáng lập và điều hành Giang Nam Tranconco - công ty mẹ của Giang Nam Petrol.
Quy mô của Giang Nam Petrol lẫn Giang Nam Tranconco chỉ dừng ở cấp độ doanh nghiệp địa phương, thể hiện qua việc cả hai doanh nghiệp đều đăng ký địa chỉ trụ sở tại nhà riêng của ông Vũ Văn Dương và bà Nguyễn Thị Thu, tại phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Xuất phát điểm có phần khiêm tốn là vậy, ít ai ngờ, Giang Nam Petrol ngày nay đã vươn xa ra khỏi quê nhà Hải Phòng, gây tiếng vang ở những thị trường cạnh tranh khốc liệt như Hà Nội, Hà Tĩnh và Cần Thơ. Điểm tựa cho thành công đó là "cú hích" trong năm 2020, với sự xuất hiện của nhân tố hoàn toàn mới, người đã thâu tóm Giang Nam Petrol từ tay các doanh nhân Vũ Văn Dương và Nguyễn Thị Thu - ông Nguyễn Trọng Ngọc (SN 1970).
Còn nhớ, tháng 1-2/2020, Giang Nam Petrol bắt đầu có động thái chuyển mình khi chuyển trụ sở chính từ phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân sang xã An Đồng, huyện An Dương. Đồng thời, chức vụ Giám đốc được sang tên cho ông Lê Quang Hiếu (SN 1976), một người trú tại quận Đống Đa, Hà Nội.
Ông Nguyễn Trọng Ngọc – Tổng giám đốc Giang Nam Petrol |
Tháng 4/2020, ông Nguyễn Trọng Ngọc chính thức tiếp quản Giang Nam Petrol với tỷ lệ sở hữu tuyệt đối, cùng với đó giữ ghế Tổng giám đốc doanh nghiệp. Không lâu sau khi đổi chủ, Giang Nam Petrol được cấp phép trở thành thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, là động lực rất lớn cho quá trình phát triển sau này.
Sau khi gia nhập "câu lạc bộ" hơn 30 thương nhân đầu mối xăng dầu cả nước, ông Nguyễn Trọng Ngọc thực hiện 5 đợt tăng vốn cho Giang Nam Petrol, lần lượt lên 39 tỷ đồng (15/3/2021), 68 tỷ đồng (15/10/2021), 96 tỷ đồng (18/2/2022), 136 tỷ đồng (26/4/2022) và 268 tỷ đồng (17/7/2023), gấp nhiều lần so với vốn sáng lập cách đó 4 năm.
Song song với những đợt tăng vốn là số lần Giang Nam Petrol mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư thêm các tàu chở dầu như Giang Nam 68, Hạ Long 68... để phát triển mảng cung cấp và vận chuyển xăng dầu. Ngoài trụ sở chính đặt tại Hải Phòng, doanh nghiệp cũng mở thêm văn phòng đại diện ở Hà Nội và chi nhánh tại Hà Tĩnh và Cần Thơ, cho thấy chiến dịch "Nam tiến" và sẵn sàng làm lớn.
Ước mơ tổng kho xăng dầu và những trăn trở
Tiêu điểm của Giang Nam Petrol là cú "đổ bộ" vào thị trường Hà Tĩnh. Tháng 4/2021 Giang Nam Petrol đã cho lập chi nhánh đóng tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh.
Sau đó, Giang Nam Petrol liên tiếp được giao loạt khu đất có vị trí đẹp ở Hà Tĩnh để xây dựng dự án và đang xin chủ trương thêm một số dự án lớn khác. Chẳng hạn, doanh nghiệp của ông Nguyễn Trọng Ngọc hiện là chủ đầu tư của dự án Tổng kho xăng dầu Giang Nam, diện tích khoảng 5ha tại Khu kinh tế Vũng Áng, với công suất thiết kế 60.000 m3. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 460 tỷ đồng.
Nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư từ ngày 24/11/2022, theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án đã phải khởi công vào quý I/2023 và sẵn sàng đi vào hoạt động từ quý I/2025. Sau đó, giai đoạn 2 và 3 sẽ tiếp tục triển khai từ năm 2026 - 2031.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được khởi công xây dựng. Được biết, cuối tháng 5/2023 vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có ý kiến giao các đơn vị, địa phương liên quan, tham mưu Hồ sơ chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Tổng kho xăng dầu Giang Nam do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất...
Gần đây, có thông tin Chi nhánh Giang Nam Petrol tại Hà Tĩnh cũng đang khó khăn với nợ thuế hàng chục tỷ đồng, bị Chi cục Thuế Hà Tĩnh cưỡng chế tài khoản bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản, tại thời điểm tháng 8/2023.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Công Thương, đại diện Giang Nam Petrol cho biết từ tháng 9/2023, các biện pháp cưỡng chế tài khoản đã được gỡ bỏ. Doanh nghiệp khẳng định đang thực hiện nghĩa vụ thuế bình thường, việc chậm trễ là có nhưng vẫn trong phạm vi cho phép của pháp luật.
Giang Nam Petrol là một trong hơn 30 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam |
Ở Hà Tĩnh, doanh nghiệp của ông Nguyễn Trọng Ngọc còn được giao gần 1ha "đất vàng" thuộc trục đường Ngô Quyền (cạnh ngã tư giao nhau giữa đường Ngô Quyền - đường Quốc Lộ 1A củ, gần điểm chấp thuận Khu đô thị hai bên đường Ngô Quyền và Khu đô thị ven sông Cày, huyện Thạch Hà) tại xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh để làm dự án xây dựng trụ sở làm việc kết hợp cửa hàng kinh doanh xăng dầu Giang Nam.
Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư vào đầu tháng 2/2023 là một thuận lợi lớn, cho dù thông tin doanh nghiệp đang tồn đọng khoản nợ thuế hàng chục tỷ đồng cũng đã không ảnh hưởng gì như thực tế cho thấy.
Lô "đất vàng" sẽ được Giang Nam Petrol sử dụng để xây dựng trụ sở làm việc và cho thuê 5 tầng; cửa hàng xăng dầu cấp 3 có công suất thiết kế 6 trụ bơm; 2 bể chứa dầu, mỗi bể chứa 25m3 và 2 bể chứa xăng, mỗi bể chứa 25m3.
Theo dự kiến, dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động vào tháng 8/2025. Song, điều khiến không ít người dân trong khu vực cũng như những người quan tâm trăn trở là công trường hiện vắng lặng và ngổn ngang vật liệu, rất mong dự án sớm được tăng tốc.
Mới đây, ngày 28/8, Giang Nam Petrol tiếp tục được UBND tỉnh Hà Tĩnh tín nhiệm cấp giấy phép khai thác khoáng sản (ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình). Theo đó, Giang Nam Petrol được phép khai thác đất san lấp bằng phương pháp lộ thiên với diện tích hơn 4,6ha, trữ lượng khai thác trên 212.000 m3, công suất khai thác 22.000 m3/tháng, với thời hạn khai thác 10 tháng.
"Thừa thắng", Giang Nam Petrol đang tích cực xin chủ trương đầu tư các dự án mới, ví dụ như tháng 2/2023, doanh nghiệp đã gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh văn bản đề nghị số 58/GNP-ĐTKT về việc chấp thuận chủ trương khảo sát, đầu tư kho chứa xăng dầu trên địa bàn huyện Lộc Hà.
Trước đó, doanh nghiệp cũng trình văn bản lên Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Kho xăng dầu Đá Mồng và dự án Kho xăng dầu tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn)...
Trăn trở bài toán tài chính và cách làm khó người học theo
Là một doanh nghiệp trẻ, lại có tốc độ phát triển quá nhanh, Giang Nam Petrol cần tiêu tốn khá nhiều nguồn lực. Vì vậy, không lấy gì bất ngờ nếu doanh nghiệp lựa chọn chiến lược sử dụng đòn bẩy mạnh tay.
Đáng lưu tâm là 2021 - năm đầu tiên trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nợ phải trả của Giang Nam Petrol nhảy vọt từ 68,6 tỷ đồng lên 542,3 tỷ đồng, gấp 8 lần sau một năm hoạt động. Vốn chủ sở hữu dù tăng, song không theo kịp mức tăng "phi mã" của tổng nợ, theo đó gấp 4,4 lần lên 88 tỷ đồng. Tính ra, hệ số nợ trên vốn của doanh nghiệp là 6,15 lần, tương đối cao so với mặt bằng chung của các đối thủ cùng ngành.
Bên cạnh khoản tiền 400 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, theo thông tin ghi nhận sơ bộ, Giang Nam Petrol có lúc phát sinh thêm 60 tỷ đồng nợ vay từ các tổ chức tín dụng, xấp xỉ 70% vốn điều lệ. Hai chủ nợ lớn của doanh nghiệp là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Hà Tĩnh và VietinBank - Chi nhánh Hải Phòng. Để huy động vốn, doanh nghiệp đã mạnh dạn thế chấp loạt xe ô tô, tàu chở dầu Giang Nam 68... cho các khoản vay vài chục tỷ đồng phục vụ các dự án phát triển.
Đặc biệt, có thời điểm khoản nợ thuế và phải nộp Nhà nước tăng mạnh lên 80 tỷ đồng, ngang ngửa vốn điều lệ nhưng như đại diện doanh nghiệp nêu ở trên, đó cũng không phải là vấn đề với Giang Nam Petrol.
Sang năm 2022, tổng nợ doanh nghiệp tăng tiếp lên 1.148 tỷ đồng, gấp đôi năm trước. Trong đó, khoản nợ phải trả người bán ngắn hạn chiếm 670 tỷ đồng (tăng 67%); song dư nợ vay mới là điểm cần lưu ý khi cán ngưỡng 190 tỷ đồng, tập trung ở khoản nợ ngắn hạn (tăng 216% năm trước).
Tiền thuế và phải nộp Nhà nước có lúc "treo" ở mức 94 tỷ đồng, tăng thêm 14 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây cũng là nguyên nhân khiến Giang Nam Petrol - Chi nhánh Hà Tĩnh từng bị nêu tên trong danh sách nợ thuế của địa phương, khiến cơ quan thuế phải áp dụng biện pháp cưỡng chế tài khoản.
Giang Nam Petrol báo lợi nhuận ròng tương đối thấp so với doanh thu, lần lượt đạt 1,1 tỷ đồng (2020), 8,1 tỷ đồng (2021) và lỗ 4 tỷ đồng vào năm 2022. Điều đó đặt ra trăn trở, lo ngại song nếu như doanh nghiệp đã có cách hoá giải thì thực sự là một điều tài tình đáng ngưỡng mộ.
Ngoài câu chuyện hiệu suất kinh doanh, Giang Nam Petrol cũng có cách phân bổ tài sản khá đặc biệt. Bên kia bảng cân đối kế toán, doanh nghiệp dự trữ lượng tiền mặt rất lớn, lên đến 187,7 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022, tăng gấp 2 lần so với 2021, dù bất ngờ thua lỗ trong năm.
Cùng lượng tiền nhàn rỗi gấp nhiều lần vốn điều lệ, doanh nghiệp còn gửi tiết kiệm ngắn hạn (3 tháng đến dưới 12 tháng) hơn 368 tỷ đồng (tăng 3 lần so với năm trước). Như vậy, hai khoản tiền có thanh khoản cao nhất, dễ dàng chi tiêu nhất đang chiếm 43% tài sản doanh nghiệp.
Vậy nhiều tiền như Giang Nam Petrol sao lại để tình trạng chậm nộp thuế và bị Chi cục Thuế Hà Tĩnh cưỡng chế tài khoản bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản có lẽ cũng là những cách làm, giải pháp mang tính bí quyết độc đáo của doanh nghiệp này. Thật đáng ngưỡng mộ khi nhiều chủ nợ, đối tác của Giang Nam Petrol cũng rất chia sẻ với các khoản nợ mà doanh nghiệp lẽ ra phải trả ngay.
Tạm tính theo lãi suất huy động bình quân năm 2022 là 8%, hơn 500 tỷ đồng của Giang Nam Petrol nếu chỉ gửi để ăn lãi suất cũng sẽ thu về hàng chục tỷ đồng. Song thật lạ là bảng kết quả kinh doanh của họ chỉ ghi nhận doanh thu tài chính (doanh thu từ lãi tiền gửi) đạt 2,4 tỷ đồng... cho thấy doanh nghiệp đang có nhiều cách làm rất đặc biệt.