Giá vé máy bay nội địa nhiều chặng bất ngờ tăng 'dựng đứng'
Ngày 16/7, khảo sát giá vé máy bay trên website bán vé trực tuyến của các hãng hàng không nội địa cho thấy, giá vé một chiều hạng phổ thông của Vietnam Airlines và Vietjet Air chặng bay Hà Nội – Phú Quốc (từ ngày 16/7 đến cuối tháng 8) dao động từ 3,2 đến 4 triệu đồng. Như vậy, so với thời điểm đặt vé từ cuối tháng 6, hiện nay giá đã tăng lên khoảng từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng.
Giá vé máy bay nhiều chặng bay nội địa bất ngờ tăng cao. Ảnh minh họa |
Đối với chặng Hà Nội – Côn Đảo, trên trang mytour.com, giá vé hạng phổ thông dao động từ 3,5 – 5,5 triệu đồng/vé/chiều, cao hơn từ 1,3 – 3 triệu đồng so với thời điểm đặt vé từ cuối tháng 6 về trước. Thậm chí, số lượng vé cạn kiệt khiến hành khách rất khó tìm các chặng bay nối chuyến.
Các chặng bay khác như: Hà Nội – Lâm Đồng, Hà Nội – Cần Thơ, Hà Nội – Đà Nẵng của tất cả các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air, Vietravel Airlines cũng cao hơn từ 500.000 đồng – 1,5 triệu đồng/vé một chiều so với thời điểm đặt vé trước tháng 6.
Theo ghi nhận trên các diễn đàn du lịch, nhiều khách hàng khác cho biết, những người đặt vé trước 1/7 cho chặng Hà Nội đi các điểm du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Cần Thơ, Côn Đảo có giá khá hợp lý, từ 2,3 – 3,7 triệu đồng/vé/chiều (đã bao gồm thuế phí).
Tuy nhiên, cũng chặng bay đó, thời gian bay như nhau, nhưng sang tháng 7 giá đặt vé cao đột biến, có chặng tăng tới gần 3 triệu đồng/vé.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kết quả kiểm tra giá vé máy bay nội địa giai đoạn 4 tháng đầu năm. Kết quả kiểm tra không ghi nhận tình trạng vé bán vượt khung giá theo quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 34.
Các hãng hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm quy định về giá vé máy bay, kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định. Thông tin về cơ cấu các khoản thu trong giá vé phải đầy đủ, rõ ràng để hành khách nắm rõ chi tiết về các khoản phải trả trong tổng giá vé phải thanh toán.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng không khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách để giảm giá vé máy bay, phối hợp cùng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phân tích, đánh giá, dự báo, tham mưu chính sách nâng cao năng lực vận chuyển, tiết giảm chi phí hạ giá thành vận tải.
Giá vé máy bay tăng cao cũng đang gây sức ép lên sự tăng trưởng của thị trường nội địa. Giá vé máy bay đã tăng đáng kể kể từ khi đại dịch bắt đầu, do nhu cầu đi lại tăng cao, giá nhiên liệu tăng và tình trạng thiếu hụt máy bay. Giá vé cao dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2024 và những năm tới, do tình hình địa chính trị bất ổn và các vấn đề dai dẳng về chuỗi cung ứng mà các nhà sản xuất máy bay đang phải đối mặt.
Để giải quyết những thách thức này, Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không để tăng nguồn cung và giảm thời gian quay đầu máy bay. Cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực mở rộng mạng lưới đường bay tới các điểm du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ các hãng hàng không đang thực hiện tái cơ cấu, đảm bảo hoạt động khai thác an toàn và ổn định.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, giai đoạn tới đây, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không thực hiện các giải pháp để phấn đấu có nguồn cung như giảm thời gian quay đầu, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay sáng sớm và đêm.
Cục trưởng khẳng định, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường; theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, đội máy bay của các hãng hàng không, đặc biệt các hãng hàng không đang thực hiện tái cơ cấu như: Bamboo Airways, Pacific Airlines để đảm bảo hoạt động khai thác an toàn, an ninh cũng như đảm bảo quyền lợi của hành khách.