Giá vàng thế giới tăng mạnh: Yếu tố nào chi phối kỳ vọng của giới đầu tư?
Mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã kết thúc chuỗi mua vàng kéo dài 18 tháng liên tiếp, thậm chí không mua thêm bất kỳ lượng vàng nào trong hai tháng 4 và 5 vừa qua, giá vàng thế giới vẫn chứng kiến đà tăng mạnh mẽ, vượt qua ngưỡng 2.400 USD/ounce.
Tại phiên giao dịch gần nhất, giá vàng chỉ cách mức kỷ lục được thiết lập vào tháng 5 khoảng 1%. Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), mặc dù PBOC ngừng mua vàng, nhiều ngân hàng trung ương khác vẫn tiếp tục gia tăng dự trữ, điển hình như Ba Lan và Ấn Độ trong tháng 6.
Khi không có hoạt động mua mạnh vàng của Trung Quốc nhưng giá vàng thế giới vẫn tiếp tục lập đỉnh, vậy những “thế lực” mới ảnh hưởng đến giá vàng là gì? Ảnh: Kitco |
Về dài hạn, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ quay lại mua vàng, bất chấp giá cao. Chiến lược đa dạng hóa dự trữ quốc gia là mục tiêu dài hạn của chính phủ nước này, nằm trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Hiện vàng chỉ chiếm khoảng 5% tổng dự trữ của Trung Quốc, trong khi con số lý tưởng để ngang hàng với các đối thủ chính trị là 15-25%.
Vậy, "thế lực" nào đang chi phối thị trường, khiến giá vàng thế giới liên tục tăng giá?
Câu trả lời chính là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Theo phân tích của TD Securities vào ngày 11/7, "với việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới sẵn sàng mua vàng và Mỹ chuyển hướng sang chính sách tiền tệ nới lỏng, giá vàng thế giới có thể đạt 2.475 USD/ounce vào quý I năm 2025, ngay cả khi Trung Quốc không mua thêm vàng".
Ngay sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của nền kinh tế lớn nhất thế giới lần đầu tiên giảm, giá vàng đã vượt ngưỡng 2.400 USD/ounce trong phiên giao dịch gần nhất.
Những yếu tố này khiến Ngân hàng Trung ương Canada cũng tỏ ra lạc quan, dự báo giá vàng thế giới có thể chạm mức 2.700 USD/ounce vào đầu năm 2025.
Sự kết hợp giữa việc nhiều ngân hàng trung ương mua vàng, chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ và lo ngại về suy thoái kinh tế đã tạo động lực cho giá vàng thế giới tăng mạnh, bất chấp việc Trung Quốc tạm ngừng mua vàng. Các nhà phân tích dự đoán giá vàng có thể tiếp tục tăng trong dài hạn, với tiềm năng đạt mức cao kỷ lục mới trong tương lai.
Bên cạnh đó, vụ ám sát hụt ông Donald Trump, ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ đã khiến cho tâm lý thị trường hoang mang với khả năng bất ổn chính trị leo thang, nhu cầu đối với tài sản an toàn vì vậy tăng mạnh.
Trưởng bộ phận chiến lược tại GraniteShares, ông Paul Marino, nhận xét: “Nợ công của Mỹ vẫn tiếp tục tăng, căng thẳng chính trị gia tăng, đồng thời xuất hiện vụ việc ám sát hụt ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuối tuần qua”.
Nói về tâm lý đầu tư hiện nay, ông Marino phân tích: “Bạn đầu tư vào vàng trong thời điểm có nhiều bất ổn và biến động, và đó chính là những gì đang diễn ra hiện nay. Người ta tìm đến vàng trong vai trò công cụ đầu tư an toàn và giữ giá trị. Khó có thể đưa ra dự báo chính xác về giá vàng, tuy nhiên dường như xu thế nói chung là vàng sẽ tăng giá”.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng thuận với quan điểm này.
Biên tập viên của Gold Newsletter, ông Brien Lundin, phân tích: “Giá vàng không tăng bởi vụ ám sát hụt mà chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi những kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vài lần trong năm nay”.
Cũng theo phân tích của ông Lundin, có những đồn đoán cho rằng nếu trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump sẽ không lựa chọn duy trì ông Jerome Powell làm chủ tịch FED mà sẽ tìm người khác chấp nhận điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng mà ông Trump muốn nhiều hơn, chính vì vậy giá vàng có đà tăng.